Offcanvas Section

You can publish whatever you want in the Offcanvas Section. It can be any module or particle.

By default, the available module positions are offcanvas-a and offcanvas-b but you can add as many module positions as you want from the Layout Manager.

You can also add the hidden-phone module class suffix to your modules so they do not appear in the Offcanvas Section when the site is loaded on a mobile device.

Chúa Nhật 2 thường niên B

Anh Chị Em thân mến,

Đến mà xem! Không phải xem cảnh trời tuyết phủ trắng xoá vùng Tây Bắc Đức hôm nay bởi cảnh tượng này không lạ lắm của mùa đông Âu Châu.
Đến mà xem là lời mời gọi của Chúa Giêsu vang lên kêu gọi các môn đệ khi họ hỏi Chúa Giêsu: “Thầy ở đâu?”. Đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu, các môn đệ đã đến và ở lại với Ngài ngày hôm đó. Đây là bước khởi đầu cho hành trình của các môn đệ. Từ đây, các môn đệ đáp trả tiếng gọi của Chúa bằng sự đáp trả của con tim, của ý chí và nhất là bằng cảm nghiệm đã được ở với Ngài.

Suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa không ngừng cất tiếng gọi và chờ đợi nơi con người sự đáp trả. Câu chuyện Chúa gọi Samuen trong bài đọc thứ nhất hôm nay cũng cho thấy điều đó. Tuy nhiên, ban đầu cậu bé Samuen vẫn chưa thể nhận ra tiếng gọi của Chúa. Cuối cùng, phải cần đến sự hướng dẫn của thầy cả Heli, Samuen mới có thể cất lên lời đáp trả: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe”.

Đã bao nhiêu lần qua những biến cố của đời sống, ngay cả trong cơn đại dịch COVID này, Thiên Chúa vẫn luôn ngỏ lời kêu gọi chúng ta về ơn gọi căn bản: làm người và làm Kitô hữu. Chúng ta có để cho thần khí hướng dẫn mình nhận ra tiếng Chúa giữa những âm vang xáo trộn của cuộc sống? Chúng ta có can đảm để sống tiếng gọi của Chúa bằng sự đáp trả của con tim và ý chí của mình?

Kính chúc Anh Chị Em buổi chiều Chúa Nhật an lành và tuần mới nhiều ơn Chúa.

Hẹn gặp Anh Chị Em Cộng đoàn thánh Phanxico xavier Wilhelmshaven trong Thánh lễ chiều nay lúc 15:30 sau khi cha Tuyên uý vượt đoạn đường 215 km trong tuyết phủ và hy vọng đến kịp với Anh Chị Em.

P. Nguyễn Quân, SVD

01

 

Chúa nhật hồng – Chúa nhật của niềm vui

Kính thưa cộng đoàn,

Chúa Nhật thứ III Mùa vọng hôm nay được gọi là: “Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật Vui”. Đây là một niềm vui lớn lao và tràn đầy hy vọng của những người tin vào Đấng Cứu Thế và đang hân hoan chờ đón Ngài. Niềm vui này chúng ta được nghe trong Lời Chúa của Chúa nhật này: “Anh chị em hãy vui lên trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: Anh chị em hãy vui lên vì Chúa đã đến gần!…”. Niềm vui này là một niềm vui được ơn Chúa cứu độ, niềm vui được an bình, niềm vui được hạnh phúc! Thế nhưng làm sao chúng ta có thể đón nhận và hưởng được trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc Chúa ban giữa những tháng ngày còn tiếp tục bị bao phủ trong bầu khí ảm đạm bởi cơn đại dịch Covid vẫn đang kéo dài và ngày càng nghiêm trọng?

Bài Tin mừng của Chúa nhật này cho chúng ta thấy Gioan Tẩy giả qua cách sống của mình, ông đã dẫn đưa con người đến cùng Đấng Cứu Thế để tìm được hạnh phúc khi tin vào Ngài.

  • Là một con người khiêm nhường, Gioan đã từ chối vinh quang mà người ta ban tặng cho mình. Ông thành thật nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế. Ông chỉ là “tiếng kêu trong hoang địa”, ông không đáng cúi xuống cởi giây giày cho Đấng Cứu Thế.
  • Là con người sống trung thực, Gioan nhìn nhận rằng: ông đến để làm chứng về ánh sáng chứ ông không phải ánh sáng. Trung thực với sứ mạng của mình, một mặt ông chỉ cho chúng ta thấy ánh sáng thật là ai, mặc khác khi có người lầm tưởng ông là ánh sáng ấy thì ông thẳng thắn phủ nhận.
  • Là con người sống quên mình, Gioan nhìn nhận mình chỉ là người đưa tin nên ông quên mình để cho Đức Giêsu được nổi bật. Ông tự hủy mình để Đấng Cứu Thế được nhận biết.

Thưa Anh Chị Em,

Gioan Tẩy giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế đã nhắc nhớ chúng ta về cách thức để kiến tạo niềm vui và hạnh phúc của người Kitô hữu: Khiêm nhường để nhận ra sự yếu đuối của phận người, trung thực để làm chứng cho Chúa và quên mình để yêu như Chúa đã yêu. Dấu hiệu để người ta nhận biết anh chị em là môn đệ Thầy là anh chị em yêu thương nhau.

Giáng sinh đã cận kề. Lễ giáng sinh chính là lễ của tình yêu, mùa của chia sẻ và trao ban. Thiên Chúa mang lấy thân phận một hài nhi yếu đuối đang cần chúng ta chăm sóc. Ngài đang cần chúng ta tái lặp lại yêu của Ngài cho những người đau khổ, già nua, bệnh tật, nghèo đói, nguội lạnh trong đức tin. Ngài đang cần đôi tay của chúng ta nối dài để Ngài băng bó vết thương cho nhân thế. Ngài đang cần đôi chân chúng ta để Ngài lại có thể ra đi đến với những ai đang thất vọng sầu khổ, những người bị loại trừ và bị bỏ rơi. Và Ngài cũng cần trái tim của chúng ta để Ngài lại có thể cảm thông, chia sẻ với những ai bất hạnh đang mang nặng gánh đau thương. Đây cũng là âm vang của sứ điệp dọn đường đón Chúa mà vị Ngôn sứ Tiền hô gởi đến chúng ta.

Mến chúc Quý Ông Bà và Anh Chị Em tuần thứ III của Mùa vọng nhiều niềm vui.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 

Chúa Nhật II Mùa Vọng


Anh Chị Em thân mến,

Bước vào Chúa nhật thứ II Mùa vọng, chúng ta tiến đến gần hơn với khung cảnh Hang đá Bêlem để mừng kỷ niệm biến cố Con Chúa Giáng trần. Cây nến thứ 2 trong vòng hoa Mùa vọng được thắp sáng trong Chúa nhật này. Kèm theo đó, Giáo hội giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt Gioan Tiền hô, một ngôn sứ luôn gắn bó với Thiên Chúa và rất gần gũi với con người. Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho anh chị em mình đến với Chúa Cứu Thế.

Lời nhắc nhở thực hành việc sám hối vẫn luôn được vang lên giữa khung trời Mùa vọng. Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì trong suốt cuộc lữ hành trần thế, chúng ta vẫn luôn cần phải trở về liên tục, bởi vì đây là thái độ nội tâm căn bản thể hiện đức tin của mọi tín hữu quy hướng về Thiên Chúa. Sám hối không phải chỉ là nhớ lại một vài lỗi phạm để đi xưng thú. Sám hối trước hết và trên hết chính là một tư thế nội tâm để quay trở về. Vì thế cuộc hành trình trở về và dọn đường được Giáo hội nhắc nhở trong Mùa vọng như một động thái cần thiết để đón chờ Chúa đến. Chúng ta không thể trở về với Chúa mà lại không biết cách trở về làm hòa với nhau. Cũng thế, sự hoán cải mà thánh Gioan Tiền hô nói đến, đòi hỏi chúng ta phải phá đổ bức tường ngăn cách của những thù hận, phải uốn lại cho ngay những quanh co gian dối trong cách hành xử thường ngày làm phá đổ mối dây liên kết với Chúa và làm tổn hại đến những người chung quanh. Bởi chúng ta không thể nào đến với Chúa mà tâm hồn vẫn còn những rào chắn khổng lồ cách ngăn chúng ta với anh chị em.

Là nhịp cầu nối giữa Cựu ước và Tân ước, thánh Gioan Tiền hô đóng vai trò người dẫn lối vào Tin mừng. Ông mời gọi dân chúng sám hối để trở về, nhưng ông tự thú nhận mình không phải là đấng Messia, mà chỉ là tiếng kêu trong sa mạc vọng lại lời, còn Đức Giêsu mới chính là „Lời“, là „Ngôi Lời đã trở thành xác phàm“. Vì thế Gioan tóm kết sứ mạng của mình qua câu nói: „Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại. Có Đấng đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài“. Sự khiêm tốn của Gioan tiền hô đã đưa cho chúng ta chiếc chìa khóa căn bản để chúng ta bày tỏ tâm thức sám hối, trở về với Chúa và với nhau. Khiêm tốn nhận ra những giới hạn và bất toàn nơi mình, chúng ta mới có thể quét sạch rác rưởi trong tâm hồn, dọn đường cho Chúa đến.

Trong mùa vọng, chúng ta được mời gọi sống tâm tình tỉnh thức đợi chờ Chúa đến. Ngài đang đến gõ cửa tâm hồn từng người. Cánh cửa này, ổ khóa và tay nắm chỉ có phía bên trong. Vì vậy, cửa phòng có được mở ra hay không, và Chúa có đi vào được căn phòng tâm hồn chúng ta hay không, câu trả lời còn tùy nơi cá nhân mỗi người.

Kính chúc Anh Chị Em tuần thứ II Mùa vọng nhiều phúc lành của Chúa.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B


Anh Chị Em thân mến,

Với Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta bước vào Năm Phụng Vụ mới. Cây nến thứ nhất của Mùa Vọng sẽ được thắp sáng trong Chúa Nhật này. Khởi đầu Năm Phụng Vụ mới, Giáo Hội muốn đặt chúng ta vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã vượt qua các tầng trời để nhập thể giữa lòng nhân thế. Ngài đã không chỉ can thiệp vào lịch sử, mà còn ở giữa con người, sống với con người và chết cho con người để giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Giáo Hội tin rằng Ngài đã phục sinh và đã lên trời nhưng chúng ta vẫn chờ đợi Ngài sẽ trở lại trong vinh quang.

Do đó, thời gian hiện tại của chúng ta là thời gian của chờ đợi, là một Mùa Vọng kéo dài. Một sự chờ đợi chất chứa đầy tràn hy vọng. Một Mùa Vọng trong hân hoan vui mừng. Dù vậy, sự chờ đợi của người Kitô hữu không phải trong sự thụ động mà là cần một thái độ năng động tích cực.

Trong bài Tin Mừng của Chúa nhật đầu tiên Mùa Vọng này, Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ của Ngài phải đề cao cảnh giác và TỈNH THỨC để có thể đón nhận Ngài mỗi khi Ngài viếng thăm, cũng như khi chúng ta phải đối diện với Ngài để tính sổ cuộc đời đó là lúc chúng ta từ giã cuộc sống này qua cái chết. Sau hết nữa là sự sẵn sàng chờ ngày Chúa lại đến trong vinh quang vào ngày chung cuộc của thế giới.

Khi được mời gọi hãy TỈNH THỨC là chúng ta được nhắc nhớ cần sáng suốt nhận ra những dấu chỉ của thời đại, của sự sống, của sự thật, của sự giải thoát và những giá trị vĩnh cửu của Tin mừng Tình thương. Tỉnh táo nhìn nhận và trân quý những gì tạo nên cuộc sống thường ngày của con người và xã hội: những cuộc gặp gỡ, những lời nói, những phản ứng, những sự kiện, những tin tức chúng ta nhận được hằng ngày và đặt chúng theo cái nhìn của ánh sáng đức tin để tìm ra câu trả lời: Chúa muốn nói với tôi điều gì? Và đâu là điều Chúa muốn tôi phải thực hiện với Chúa và cho anh em tôi?

Lạy Chúa, chúng con bắt đầu bước vào Mùa Vọng, xin cho mỗi chúng con biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng mừng kỷ niệm ngày Chúa đến lần thứ nhất qua lễ Giáng sinh. Đồng thời, xin giúp chúng con luôn sống căn tính người Kitô hữu bằng tinh thần tỉnh thức qua việc canh tân đời sống, siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và thực hành bác ái để xứng đáng đón chờ Chúa đến trong ngày chung thẩm và ngày Chúa đến gặp gỡ mỗi người chúng con.

Mến chúc Anh Chị Em bắt đầu Mùa Vọng và Năm Phụng Vụ mới tràn đầy ân sủng, vui mừng và hy vọng trong Đấng Cứu Độ chúng ta.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 

Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

NQ SVD 03.jpg

 

 

 

 


Anh Chị Em thân mến,

Với lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ vào Chúa nhật này, chúng ta kết thúc Năm Phụng vụ. Khi đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Mẹ Hội thánh nhắc nhớ chúng ta rằng: Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta. Ngài là Alpha và Omega – là khởi nguyên và là tận cùng. Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu, Vua tình yêu.

Khi lắng nghe sứ điệp lời Chúa trong ngày lễ Chúa Kitô Vua, điều làm chúng ta không khỏi ngạc nhiên là sự khác biệt hoàn toàn giữa Vua Giêsu và vua trần thế. Trong bài đọc I, ngôn sứ Edêkien diễn tả vị vua như một mục tử. Vị vua này có đủ các đức tính của một mục tử: luôn ân cần săn sóc đàn chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Hình ảnh người mục tử trong ngôn sứ Edêkien sẽ được diễn trọn ý nghĩa qua cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Người đã chấp nhận chết để nhân loại được sống. Qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, Ngài đã làm cho nhân loại trở thành gia đình của Thiên Chúa. Điều này cũng được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi giáo đoàn Côrintô ở bài đọc II: Đức Giêsu được tôn vinh là Vua, vì Người đã chấp nhận cái chết để ban cho nhân loại sự sống, như mục tử hy sinh mạng sống để đàn chiên được bình an. Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: quyền lực vương đế của Người không phải để thống trị, mà là để phục vụ, tha thứ và yêu thương.
Trong khi đó, vua trần gian thì dùng uy quyền thống trị dân. Những rắc rối xung quanh cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ đang còn bất phân thắng bại cũng cho thấy cơn cám dỗ quyền lực thật ghê gớm và mạnh mẽ. Những hứa hẹn và bôi nhọ nhau khi tranh cử, những thủ đoạn trong bầu cử đều cho thấy người ta dùng mọi cách để đạt được quyền lực, mà đó lại lại quyền lực nhất thời. Những diễn biến bên trong và bản chất sự việc còn ghê ghớm hơn những gì chúng ta biết được, nghe được hay đọc được bởi không ai dám bảo đảm rằng truyền thông không bị mua chuộc và sự thật đã không bị bóp méo.

Để dẫn đưa chúng ta hướng nhìn đến thời điểm chung cuộc của nhân loại, bài Tin mừng của Chúa nhật này mô tả ngày cánh chung. Khi đó Đức Giêsu xuất hiện như một vị Vua và là Đấng Thẩm phán. Tất cả mọi người đều tập họp trước nhan Ngài để chịu xét xử. Tiêu chuẩn mà vị Vua Giêsu dựa vào để xét xử là cách sống yêu thương. Ngài cho rằng ai thể hiện tình yêu cụ thể với những người khốn khổ bé mọn tức là thể hiện tình yêu đối với Ngài và họ sẽ được ân thưởng. Ngược lai, ai không yêu thương những người khốn khổ bé mọn cũng có nghĩa là từ chối Ngài nên bị trừng trị.

Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của tình yêu. Ai sống trong tình yêu, tình yêu dành cho Chúa và tha nhân thì thuộc công dân Nước Thiên Chúa. Tình yêu không đòi hỏi nhiều lời nói cho bằng nhiều hành động thiết thực và sống động. Nói như thánh Giacôbê Tông đồ: "Đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2,17).

Chúng ta muốn lựa chọn sống trong vương quốc nào? Vương quốc trần gian với mọi sự phù vân hay vương quốc tình yêu – nơi Đức Kitô là Vua vĩnh cửu? Và, ai đang là vua của cuộc đời tôi? Vua quyền lực, giàu sang, danh vọng hay Vua Tình Yêu Giêsu - Đấng đã đổ máu đào để cứu chuộc tôi và toàn nhân loại? Vị Vua Giêsu ấy hôm nay vẫn đang đi cùng chúng ta trong cuộc sống để khích lệ, thêm sức cho chúng ta trên những nẻo đường đời. Mỗi khi thực thi giáo huấn của Người là chúng ta góp phần làm cho vương quốc tình yêu của Người được triển nở và lan rộng.

Là Kitô hữu cũng là công dân của vương quốc vĩnh cửu, xin cho chúng ta sống xứng đáng với danh xưng ấy để đáng được Chúa thương chúc phúc hôm nay và trong ngày phán xét cuối cùng.

Kính chúc Anh Chị Em một tuần mới nhiều phúc lành của Chúa.


Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 

Chúa Nhật 32 Thường Niên A

NQ SVD 03.jpg

 

 

 

 

Anh Chị Em thân mến,

Chúng ta đang sống vào những tuần cuối Năm Phụng vụ. Trong khoảng thời gian này, giữa cơn đại dịch vẫn đang kéo dài và lan rộng tại nhiều quốc gia; giữa cuộc chạy đua tranh chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng tại Mỹ vẫn chưa đến hồi kết, Giáo hội mời gọi con cái mình nhân dịp này để suy niệm về thời Cánh chung – thời Đức Kitô ngự đến. Dụ ngôn “Mười trinh nữ” trong bài Tin mừng của Chúa nhật này được đặt chung bối cảnh như lời mời gọi, thúc giục chúng ta phản tỉnh, cân nhắc hầu chuẩn bị những gì thiết yếu nhất làm hành trang bước vào bàn tiệc Thiên quốc khi ngày đó bất chợt xảy đến – ngày mà không ai có thể ngờ.

Là những người hân hạnh được mời đi đón chàng rể, cả mười trinh nữ lúc đầu đều cầm đèn cháy sáng trong tay. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi chàng rể đến, cả mười cô đều ngủ bên cây đèn cháy sáng của mình. Khi nghe tiếng hô vang “kìa chàng rể đến”, các cô chợt tỉnh giấc thì trong số đó, năm cô đèn đã hết sạch dầu. Không ai có thể giúp được các cô lúc này. Và, trong lúc các cô đi tìm chỗ mua dầu thì chàng rể đến. Cánh cửa phòng tiệc đã đóng lại. Dụ ngôn kết thúc trong tiếng đập cửa kêu vang của năm trinh nữ khờ dại và tiếng đáp trả của chàng rể: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai”.

Thật không oan chút nào khi các cô bị quở trách và từ chối. Bởi chính khi được mời và tuyển chọn, các trinh nữ đã biết và đồng ý để làm công việc nghênh đón chàng rể thế mà các cô đã không chuẩn bị chu đáo. Sở dĩ năm cô bị xem là dại khờ không nằm ở chỗ các cô không xinh đẹp, không lanh lợi mà nằm ở chỗ các cô đã không thiết tha với công việc được tuyển chọn của mình. Năm cô khôn ngoan mặc dù vẫn ngủ thiếp đi trong lúc chờ đợi thế nhưng các cô lại là những con người có trách nhiệm, biết chuẩn bị, biết phòng xa. Đèn vẫn cháy sáng nhưng các cô đã chuẩn bị kỹ càng để không bao giờ hết dầu, hầu ngọn đèn ấy vẫn luôn luôn cháy sáng.

Kính thưa Anh Chị Em,

Câu chuyện dụ ngôn trong Tin mừng thánh Mattheu được viết ra cả hai ngàn năm trước nhưng vẫn còn giá trị thời sự cho chúng ta. Theo đó, được xem là khôn ngoan hay dại khờ không nằm ở việc chúng ta được Thiên Chúa mời gọi hay được tuyển chọn mà là ở chỗ chúng ta có thiết tha với lời mời gọi và tuyển chọn của Thiên Chúa hay không. Đó cũng không phải là việc chúng ta đã được rửa tội, được gia nhập vào Giáo hội thì đương nhiên chúng ta có sẵn giấy thông hành, có bảo bối vào thiên đàng mà ở chỗ chúng ta có thao thức với những giá trị Tin mừng và áp dụng những giá trị đó vào trong đời sống của chúng ta hay không.

Thiên Chúa muốn đưa con người vào tiệc cưới Nước Trời. Chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Ai cũng phải đối diện với ngày cuối cùng cuộc đời là giờ chết. Mỗi người theo sự khôn ngoan hay khờ dại đón nhận số phận chung cuộc. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về số phận đời đời của mình. Không ai có thể làm thay cho mình được. Giờ phút long trọng và quyết định, đó là lúc chàng rể xuất hiện, lúc ấy mỗi người chuẩn bị đèn cháy sáng của mình. Người khôn ngoan biết xác định cùng đích cuộc đời của mình và chuẩn bị những gì cần thiết để đạt được cùng đích đó. Một khi lễ cưới đã sẵn sàng, giờ tiệc cưới đã đến, lúc chàng rể bước vào phòng tiệc, cửa phòng tiệc đóng lại cũng chính là lúc số phận của kẻ khôn người dại được an bài rõ ràng. Hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy đến khi cánh cửa phòng tiệc đóng lại? Khi đó, bên trong là hoan hỉ, là chúc tụng và tạ ơn, còn bên ngoài là khóc lóc than van và đau khổ.

Bao giờ chàng rể đến? Câu hỏi mà không ai biết trước câu trả lời. Trong lúc đợi chờ có thể bình dầu cũng dần vơi. Đêm tối cuộc đời đôi khi cũng làm tâm tư nặng trĩu. Những biến cố thăng trầm sao tránh khỏi những mỏi mệt, ngủ quên! Hãy kín múc dầu tình yêu nơi suối nguồn yêu thương chính là lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta không chỉ nhận được dầu tình yêu, dầu ân sủng, mà còn được Thiên Chúa trao ban chính mình Người làm quà tặng, làm của ăn, để chúng ta đủ sức tỉnh thức mà chờ đợi Người dẫn đưa ta vào tiệc cưới Nước Trời.

Kính chúc Quý Ông Bà và Anh Chị Em một cuối tuần nắng ấm và một tuần mới tốt lành.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

NQ SVD 03.jpg

 

 

 

 

Kính thưa cộng đoàn,

Tháng 11, tháng mà Giáo hội dành cách đặc biệt để cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội được bắt đầu vào Chúa nhật này với Lễ Các thánh nam nữ. Mừng các thánh nam nữ là dịp để nhắc nhở ơn gọi của chúng ta là nên thánh. “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Ngày 10.10.2020 mới đây, Giáo hội vừa tuyên phong chân phước (á thánh) cho thiếu niên Carlo Acutis tại thành Assisi, nước Ý. Ngài là một vị thánh đầu tiên trong lịch sử Giáo hội có địa chỉ E-Mail, thích trò chơi điện tử, mặc áo thun, quần Jean, đi giày thể thao và là một lập trình viên máy tính của thời công nghệ 4.0.
Con đường nên thánh của ngài dựa vào 2 đặc điểm căn bản là lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và tôn sùng Mẹ Maria. Ngài đã vận dụng công nghệ Internet để quảng bá về tình thương của Chúa Giêsu qua các phép lạ Thánh Thể. Ngài đi lễ hàng ngày. Ngài kết hiệp với Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Ngài đã nói: “Đứng dưới mặt trời, chúng ta sẽ rám nắng, nhưng đứng trước Thánh Thể, chúng ta sẽ nên Thánh"

Sinh năm 1991, qua đời ở tuổi 15 vào năm 2006 vì mắc bệnh bạch cầu. Trong suốt cuộc đời của mình, ngài đã lập một trang web dành riêng cho các phép lạ Thánh Thể và duy trì lòng sùng kính sâu sắc đối với Bí tích Thánh Thể. Ngài đã truyền cảm hứng cho những bạn bè đồng trang lứa khiến họ muốn đến gần hơn với Chúa. Một bạn gái trẻ đã phát biểu về điều này: “Carlo đã cho thấy một cách cụ thể một vị thánh thích chơi trò chơi điện tử và truy cập Internet là như thế nào. Cậu ấy thách thức tôi kiểm tra lương tâm của mình và nói, 'Được rồi, tôi cũng được gọi là một vị thánh biết sử dụng Internet. Tôi có đang sử dụng Internet để làm cho tình yêu của Thiên Chúa được người ta biết đến không?'”

Kính thưa Anh Chị Em,
Việc Giáo hội phong chân phước cho tôi tớ Chúa Carlo Acutis dường như đã giúp cho chúng ta ngày nay nhận ra con đường nên thánh của thời đại chính là biết vận dụng những phương tiện hiện có nhằm tôn vinh Chúa và giới thiệu Ngài cho tha nhân. Tuy nhiên, một điều không thể thiếu chính là tình yêu dành cho Chúa và cho nhau. Ở điểm này Carlo Acutis đã làm được điều đó.

Mừng kính các thánh nam nữ cũng là dịp mời gọi chúng ta nên thánh trong bổn phận đời thường. Nên thánh trong hy sinh vì lợi ích tha nhân. Nên thánh trong việc đón nhận thánh ý Chúa với lời xin vâng trong phó thác. Điều này xem ra không mấy đơn giản nhưng vẫn có thể trong tầm tay chúng ta. Đó cũng là con đường của tám mối phúc, của một lối sống luôn để thánh ý Chúa thể hiện trong cuộc đời mình và luôn ý thức rằng: lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa. Đây là con đường bão bùng nhất nhưng cũng là con đường đẹp nhất bởi nó dẫn con về với Ngài.

Như thế, mừng lễ các thánh nam nữ là mừng mọi tín hữu đã đi qua dòng đời này, đã dìm mình và giặt áo mình trong máu Con Chiên. Họ đã thổi vào cuộc sống biết bao gương lành của yêu thương, phục vụ và dâng hiến. Họ đã sống giữa thế gian nhưng không để mình thuộc về thế gian.

Ước gì cuộc đời chúng ta nhất là lúc đang còn trải qua giai đoạn khó khăn của cơn đại dịch, cũng mạnh mẽ và kiên định trong lòng tin vào Chúa và lòng mến tha nhân. Xin cho từng bước chân của chúng ta khi tìm đến Chúa và tìm đến anh em cũng để lại những dấu ấn của yêu thương và phục vụ. Xin cho chúng ta biết tận dụng sự phát triển của công nghệ hiện đại để thánh hóa bản thân, loan truyền và ngợi ca danh Chúa.

Mến chúc tất cả Anh Chị Em một tuần mới tốt lành và tháng 11 được bình an giữa những khó khăn.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 

NQ SVD 03.jpg

 

 

 

 

Anh Chị Em thân mến,

Tin mừng của Chúa nhật này, một lần nữa chúng ta được nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho những ai đang hoặc muốn trở thành môn đệ của Ngài: „Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo“ (Mt 16,24).

Bước theo Đức Kitô là một hành trình luôn đặt ra cho mỗi chúng ta sự lựa chọn bắt buộc phải chọn lựa đó là: theo Chúa, vác thập giá đời mình như Chúa nói, hay bỏ Chúa và lìa xa Tin mừng để được lời lãi thế gian. Và chính điều này: bỏ Chúa hay theo Chúa, vác thập giá hay bỏ thập giá đòi hỏi chúng ta trở về với chiều sâu nội tâm. Nơi đó, khi đối diện với thực tại cõi lòng, chúng ta mới có thể khám phá ra con người thật của mình để biến đổi. Đây cũng là điều mà trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Rôma đã nhắn nhủ cộng đoàn Kitô hữu: „Anh chị em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh chị em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo“ (Rm 12,2).

Lời mời gọi của Thầy Chí Thánh hơn hai ngàn năm trước đến nay vẫn còn sức hấp dẫn với nhiều người. Bằng chứng cụ thể là lúc 11 giờ 00 Chúa nhật này, tại Nhà nguyện Trường Trung học Arnold Janssen, cha Tuyên úy sẽ cử hành Thánh lễ ban các Bí tích Khai tâm Kitô giáo (Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể) cho đôi vợ chồng anh chị Định - Yến sau một thời gian dài học hỏi về đạo với tất cả niềm ao ước được sớm gia nhập Hội thánh Chúa. Đây là một niềm vui lớn cho Giáo hội và cách riêng cho Gia đình Liên Giáo Phận (LGP) chúng ta. Bởi thời gian gần đây, con số tín hữu Công giáo và Tin lành ra khỏi Giáo hội tại Đức ngày càng nhiều thì vẫn còn đó những người bị „quyến rũ“ bởi Thầy Chí Thánh Giêsu.

Con cũng chân thành cám ơn Hội đồng Mục vụ LGP, Quý Ban ngành cùng nhiều Anh Chị Em hôm nay đã nhớ đến, có lời cầu nguyện và chúc mừng dành cho con nhân dịp kỷ niệm ngày được lãnh nhận Thánh chức Linh mục 2014-28-08-2020. Xin hiệp ý với con trong lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cao cả này và cũng xin tiếp tục cầu nguyện cho con được mãi trung thành với ơn gọi, sứ vụ mà Chúa đã trao ban và bề trên trao phó.

Kính chúc Anh Chị Em một cuối tuần vui khỏe và tuần mới tốt lành.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 

 

Kính thưa cộng đoàn,

Tin mừng của Chúa nhật này, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn “Người gieo giống” để mô tả số phận Lời Chúa được tung ra giữa nhân loại và đem lại kết quả như thế nào. Người gieo giống đã nhiệt thành và quảng đại mang hạt giống vãi gieo. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, chim trời ăn mất. Có hạt rơi xuống trên sỏi đá, không đâm rễ được, bị khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, bị chết nghẹt. Chúa không đặt nặng đến phần mất mát đó cho bằng đến sự phát triển mạnh mẽ của hạt giống khi rơi vào phần đất tốt. Nó sẽ nảy sinh một mùa gặt phong phú, hạt được ba mươi, sáu mươi hay một trăm.

Sau khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu đã cắt nghĩa một cách rõ ràng nhằm giúp người nghe hiểu được. Mỗi người chúng ta hôm nay khi nghe lại dụ ngôn này, chúng ta có thể tự áp dụng cho riêng mình bởi trước mặt Chúa, chỉ riêng mỗi người mới tự biết được tình trạng của “mảnh đất lòng mình” thế nào và Lời Chúa đã sinh hoa kết trái nơi tâm hồn mình ra sao.

Điều mà sứ điệp Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta đó là: chúng ta đừng ai nản lòng vì mất mát, thiệt thòi. Người gieo giống cứ thẳng tay tung vãi khắp nơi một cách quảng đại, không dè xẻn, không tiếc xót. Ông gieo không tính toán. Ông gieo không loại trừ. Từ những mãnh đất phì nhiêu đến cả những mãnh đất sỏi đá, thậm chí cả trên những lối mòn có bước chân người đi cũng không bị lãng quên.

Bên cạnh đó, ta thấy người đi gieo đã gieo một cách kiên trì, bất kể ngày đêm và đã gieo trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng của ông thật lớn lao. Bởi chính với niềm hy vọng ấy, ông đã dám đầu tư tất cả tiền bạc, sức khỏe, thời giờ vào việc gieo hạt. Chính trong niềm hy vọng ấy đã giúp ông đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn, đứng vững trước những thất bại. Và, chính trong niềm hy vọng nên người gieo đã không loại trừ chỗ nào bởi tin rằng “có gieo thì có gặt”.

Trên hết, chúng ta có thể nhận ra rằng người đi gieo đã gieo trong tình yêu thương. Tình thương yêu của ông dạt dào lắm, bao la lắm nên ông động lòng thương đến cả những mảnh đất chai cứng, đá sỏi, gai góc. Tình yêu thương ấy mãnh liệt lắm nên người gieo mong sẽ cảm hoá được cả gai góc, sỏi đá, biến chúng thành đất màu mỡ phì nhiêu.

Kính thưa anh chị em,

Thiên Chúa dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Ngài.
Ngày nay Giáo hội không ngừng rao giảng Lời Chúa qua các thế hệ trên khắp thế giới. Giáo hội cũng gặp không ít khó khăn giữa một thế giới ngày càng tục hóa và thậm chí sự khó khăn cũng đến từ lối sống của chính những người rao giảng.

Thực vậy, giữa lòng cuộc sống đầy bận rộn, lo toan và ồn ào náo nhiệt này, đôi khi lời rao giảng chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc và người nói chỉ thấy vọng lại chính âm điệu của mình mà không có một lời đáp trả.

Thiên Chúa vẫn đến viếng thăm ta qua các biến cố lớn nhỏ, vui buồn để nói với ta điều gì đó nhưng nhiều khi ta lại vắng mặt. Không biết trong cơn khủng hoảng covid -19 kéo dài đến hôm nay, mấy ai trong chúng ta đã nghe được sứ điệp nào đó Chúa nói với mình, gia đình mình và thế gới chúng ta hay không? Hay nhiều lần ta được tiếp xúc với Lời Chúa nhưng ta lại xem nhẹ rồi đưa vào lãng quên?

Nếu tâm hồn chúng ta có lúc nào đó trở nên mãnh đất chống lại việc triển nở của hạt giống Lời Chúa, đừng nản lòng, hãy cứ hy vọng! Hãy cậy trông vào Chúa! Hãy chờ mùa gặt đến, kết quả sẽ vượt mức tưởng tượng, vì đây là công việc của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa là tình yêu và giàu lòng thương xót.

Kính chúc Anh Chị Em một cuối tuần ấm áp và một tuần mới tốt lành.

11.07.2020

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

Chúa nhật 16 Thường niên năm A: Thiên Chúa kiên nhẫn và bao dung

Anh Chị Em thân mến,

Nếu Tin mừng Chúa nhật trước với dụ ngôn “người gieo giống” diễn tả hình ảnh về một Thiên Chúa đầy lòng xót thương và quảng đại trong việc phân phát Lời Ngài cho nhân loại, thì Chúa nhật XVI này sứ điệp Lời Chúa lại nêu bật cho chúng ta hình ảnh một Thiên Chúa kiên nhẫn và bao dung trước sự dữ và tội lỗi của con người.

Thực tại cuộc sống của chúng ta cũng giống như một thửa ruộng mà trong đó “lúa tốt và cỏ lùng” mọc chung với nhau. Nếu lúa tượng trưng cho những con người tốt và những việc tốt thì cỏ lùng lại tượng trưng cho những người xấu, những việc xấu. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống ở con người không chỉ diễn ra trong sự tương phản giữa thiện - ác, tốt - xấu, hay trắng - đen rõ ràng mà còn có vô số những gam màu xám định hình cuộc sống của chúng ta. Điều quan trọng là cần chấp nhận và nhận ra nhiều sắc thái màu xám này trong cuộc sống của chính mình và của tha nhân.

Trong Tin mừng Chúa nhật này, Thiên Chúa chứng tỏ là bậc thầy khôn ngoan khi chỉ thị cho những người thợ của mình không được nhổ bỏ cỏ dại quá nhanh vì như thế sẽ gây hư hại đến lúa tốt. Nếu quá sớm và vội vàng tẩy trừ khỏi cuộc sống những điều không như mong muốn thì chắc chắn không tránh khỏi ảnh hưởng đến các khía cạnh tích cực của đời sống. Thiên Chúa có sự kiên nhẫn với những bất cập trong cuộc sống của chúng ta và luôn luôn mở ra cho mỗi người những cơ hội mới. Cỏ dại không thể biến thành lúa tốt nhưng người tội lỗi và có những hành vi xấu có thể sám hối, biến đổi và trở nên người tốt trong ân sủng và tình thương của Thiên Chúa.

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đối xử với nhau theo cách của Thiên Chúa: đừng vội vàng xét đoán và kết án tha nhân. Hãy kiên nhẫn với nhau, nhìn đến những điều tốt đẹp nơi người khác và tạo cho nhau những cơ hội để hoàn thiện bản thân dưới ánh sáng của Tin mừng. Khi đó, chúng ta càng có thêm sức mạnh và sự cảnh giác để chống lại sự dữ mà ma quỷ luôn rình rập gieo vãi vào “thửa ruộng cuộc đời” của mỗi chúng ta.

Mến chúc tất cả Quý Ông Bà, Anh Chị Em và các Cháu những ngày hè mạnh khỏe và bình an.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 

Wir nutzen Cookies auf unserer Website. Einige von ihnen sind essenziell für den Betrieb der Seite, während andere uns helfen, diese Website und die Nutzererfahrung zu verbessern (Tracking Cookies). Sie können selbst entscheiden, ob Sie die Cookies zulassen möchten. Bitte beachten Sie, dass bei einer Ablehnung womöglich nicht mehr alle Funktionalitäten der Seite zur Verfügung stehen.