Kính thưa cộng đoàn,
Tin mừng của Chúa nhật này, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn “Người gieo giống” để mô tả số phận Lời Chúa được tung ra giữa nhân loại và đem lại kết quả như thế nào. Người gieo giống đã nhiệt thành và quảng đại mang hạt giống vãi gieo. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, chim trời ăn mất. Có hạt rơi xuống trên sỏi đá, không đâm rễ được, bị khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, bị chết nghẹt. Chúa không đặt nặng đến phần mất mát đó cho bằng đến sự phát triển mạnh mẽ của hạt giống khi rơi vào phần đất tốt. Nó sẽ nảy sinh một mùa gặt phong phú, hạt được ba mươi, sáu mươi hay một trăm.
Sau khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu đã cắt nghĩa một cách rõ ràng nhằm giúp người nghe hiểu được. Mỗi người chúng ta hôm nay khi nghe lại dụ ngôn này, chúng ta có thể tự áp dụng cho riêng mình bởi trước mặt Chúa, chỉ riêng mỗi người mới tự biết được tình trạng của “mảnh đất lòng mình” thế nào và Lời Chúa đã sinh hoa kết trái nơi tâm hồn mình ra sao.
Điều mà sứ điệp Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta đó là: chúng ta đừng ai nản lòng vì mất mát, thiệt thòi. Người gieo giống cứ thẳng tay tung vãi khắp nơi một cách quảng đại, không dè xẻn, không tiếc xót. Ông gieo không tính toán. Ông gieo không loại trừ. Từ những mãnh đất phì nhiêu đến cả những mãnh đất sỏi đá, thậm chí cả trên những lối mòn có bước chân người đi cũng không bị lãng quên.
Bên cạnh đó, ta thấy người đi gieo đã gieo một cách kiên trì, bất kể ngày đêm và đã gieo trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng của ông thật lớn lao. Bởi chính với niềm hy vọng ấy, ông đã dám đầu tư tất cả tiền bạc, sức khỏe, thời giờ vào việc gieo hạt. Chính trong niềm hy vọng ấy đã giúp ông đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn, đứng vững trước những thất bại. Và, chính trong niềm hy vọng nên người gieo đã không loại trừ chỗ nào bởi tin rằng “có gieo thì có gặt”.
Trên hết, chúng ta có thể nhận ra rằng người đi gieo đã gieo trong tình yêu thương. Tình thương yêu của ông dạt dào lắm, bao la lắm nên ông động lòng thương đến cả những mảnh đất chai cứng, đá sỏi, gai góc. Tình yêu thương ấy mãnh liệt lắm nên người gieo mong sẽ cảm hoá được cả gai góc, sỏi đá, biến chúng thành đất màu mỡ phì nhiêu.
Kính thưa anh chị em,
Thiên Chúa dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Ngài.
Ngày nay Giáo hội không ngừng rao giảng Lời Chúa qua các thế hệ trên khắp thế giới. Giáo hội cũng gặp không ít khó khăn giữa một thế giới ngày càng tục hóa và thậm chí sự khó khăn cũng đến từ lối sống của chính những người rao giảng.
Thực vậy, giữa lòng cuộc sống đầy bận rộn, lo toan và ồn ào náo nhiệt này, đôi khi lời rao giảng chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc và người nói chỉ thấy vọng lại chính âm điệu của mình mà không có một lời đáp trả.
Thiên Chúa vẫn đến viếng thăm ta qua các biến cố lớn nhỏ, vui buồn để nói với ta điều gì đó nhưng nhiều khi ta lại vắng mặt. Không biết trong cơn khủng hoảng covid -19 kéo dài đến hôm nay, mấy ai trong chúng ta đã nghe được sứ điệp nào đó Chúa nói với mình, gia đình mình và thế gới chúng ta hay không? Hay nhiều lần ta được tiếp xúc với Lời Chúa nhưng ta lại xem nhẹ rồi đưa vào lãng quên?
Nếu tâm hồn chúng ta có lúc nào đó trở nên mãnh đất chống lại việc triển nở của hạt giống Lời Chúa, đừng nản lòng, hãy cứ hy vọng! Hãy cậy trông vào Chúa! Hãy chờ mùa gặt đến, kết quả sẽ vượt mức tưởng tượng, vì đây là công việc của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa là tình yêu và giàu lòng thương xót.
Kính chúc Anh Chị Em một cuối tuần ấm áp và một tuần mới tốt lành.
11.07.2020
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
Chúa nhật 16 Thường niên năm A: Thiên Chúa kiên nhẫn và bao dung
Anh Chị Em thân mến,
Nếu Tin mừng Chúa nhật trước với dụ ngôn “người gieo giống” diễn tả hình ảnh về một Thiên Chúa đầy lòng xót thương và quảng đại trong việc phân phát Lời Ngài cho nhân loại, thì Chúa nhật XVI này sứ điệp Lời Chúa lại nêu bật cho chúng ta hình ảnh một Thiên Chúa kiên nhẫn và bao dung trước sự dữ và tội lỗi của con người.
Thực tại cuộc sống của chúng ta cũng giống như một thửa ruộng mà trong đó “lúa tốt và cỏ lùng” mọc chung với nhau. Nếu lúa tượng trưng cho những con người tốt và những việc tốt thì cỏ lùng lại tượng trưng cho những người xấu, những việc xấu. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống ở con người không chỉ diễn ra trong sự tương phản giữa thiện - ác, tốt - xấu, hay trắng - đen rõ ràng mà còn có vô số những gam màu xám định hình cuộc sống của chúng ta. Điều quan trọng là cần chấp nhận và nhận ra nhiều sắc thái màu xám này trong cuộc sống của chính mình và của tha nhân.
Trong Tin mừng Chúa nhật này, Thiên Chúa chứng tỏ là bậc thầy khôn ngoan khi chỉ thị cho những người thợ của mình không được nhổ bỏ cỏ dại quá nhanh vì như thế sẽ gây hư hại đến lúa tốt. Nếu quá sớm và vội vàng tẩy trừ khỏi cuộc sống những điều không như mong muốn thì chắc chắn không tránh khỏi ảnh hưởng đến các khía cạnh tích cực của đời sống. Thiên Chúa có sự kiên nhẫn với những bất cập trong cuộc sống của chúng ta và luôn luôn mở ra cho mỗi người những cơ hội mới. Cỏ dại không thể biến thành lúa tốt nhưng người tội lỗi và có những hành vi xấu có thể sám hối, biến đổi và trở nên người tốt trong ân sủng và tình thương của Thiên Chúa.
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đối xử với nhau theo cách của Thiên Chúa: đừng vội vàng xét đoán và kết án tha nhân. Hãy kiên nhẫn với nhau, nhìn đến những điều tốt đẹp nơi người khác và tạo cho nhau những cơ hội để hoàn thiện bản thân dưới ánh sáng của Tin mừng. Khi đó, chúng ta càng có thêm sức mạnh và sự cảnh giác để chống lại sự dữ mà ma quỷ luôn rình rập gieo vãi vào “thửa ruộng cuộc đời” của mỗi chúng ta.
Mến chúc tất cả Quý Ông Bà, Anh Chị Em và các Cháu những ngày hè mạnh khỏe và bình an.
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
Quý Ông Bà và Anh Chị Em thân mến,
Mùa Phục sinh kéo dài 50 ngày được kết thúc vào Chúa nhật này, khi Giáo hội cho chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong suốt Năm Phụng vụ thì Mùa Phục sinh là mùa cao điểm. Bởi lẽ, mầu nhiệm Phục sinh là mầu nhiệm trọng tâm niềm tin của mỗi chúng ta. Nói như Thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì việc rao giảng của chúng tôi trở nên vô ích và đức tin của anh em cũng trống rỗng nữa” (1Cr 15,14). Mầu nhiệm này soi sáng và hướng dẫn đời sống đức tin của chúng ta và toàn thể Hội thánh. Với ân ban từ Đấng Phục sinh, các Tông đồ từ những con người nhút nhát sợ hãi đã trở thành những con người gan dạ và can đảm lạ thường. Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho các ông được biến đổi lạ thường như thế.
Tin mừng của Chúa nhật này cho chúng ta thấy: mặc dù nơi ở của các Tông đồ đã cửa đóng then cài nhưng các ông vẫn không hết sợ hãi. Sự sợ hãi này bắt nguồn từ nỗi bất an trong chính tâm hồn các ông. Bao nhiêu dự định, ước vọng và toan tính khi cất bước theo Thầy giờ đã tan tành theo mây khói. Tưởng rằng theo Thầy Giêsu thì đời mình cũng sẽ đến ngày được công thành danh toại. Họ ngờ đâu rằng, Thầy Giêsu, một Đấng quyền năng đầy mình lại để cho những thủ lãnh Do thái bắt Người và giết chết cách dễ dàng. Các ông chỉ còn biết sống trong tâm trạng bất an, trong thất vọng và chán chường.
Hiểu được tâm trạng của những môn đệ mình cho nên lời nói đầu tiên của Chúa Giêsu khi hiện đến với họ là: “Bình an cho anh em”. Chúa Giêsu không những nói một mà đến hai lần trong lần hiện ra này và còn nói trong mỗi lần hiện ra sau này nữa. Cùng lúc ấy, Chúa Giêsu cũng trao ban Chúa Thánh Thần là nguồn bình an cho các ông. Kể từ đó, các Tông đồ đã trở nên những con người can đảm và hăng hái ra đi rao giảng Tin mừng bất chấp nguy hiểm và rủi ro.
Sống trong tâm trạng bất an là một trong những điều đáng sợ cho mỗi người chúng ta. Tâm trạng ấy cũng đã bao trùm trên nhiều người và thế giới trong mấy tháng qua kể từ khi cơn đại dịch covid-19 bùng phát. Sự bất an lo sợ ấy đến nay vẫn chưa chấm dứt bởi dịch bệnh vẫn còn kéo dài chưa biết đến bao giờ và nguy cơ bùng phát trở lại vẫn luôn tiềm ẩn sau khi nới lỏng các giãn cách xã hội.
Chắc hẳn ai cũng mong muốn cho mình được sống bình an. Khi đối diện với những hoang mang, sợ hãi và lo lắng, nhiều người đã biết chạy đến với Đấng là nguồn bình an đích thực để khẩn cầu, cậy trông và phó thác. Nhiều người đã đọc ra đó như những dấu chỉ của thời đại để canh tân đời sống. Bên cạnh đó, không thiếu những người lại chạy đi tìm những bình an giả tạo. Chắc chắn, những bình an của thế gian ban tặng thì khác hẳn bình an từ chính Thiên Chúa, bình an của Thánh Thần. Do đó, tâm trạng bất an lại càng có khuynh hướng gia tăng. Chúa Giêsu đã nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14, 27).
Là những Kitô hữu, thật hạnh phúc cho chúng ta vì qua Bí tích Rửa tội và đặc biệt qua Bí tích Thêm sức, mỗi người đều được đón nhận Chúa Thánh Thần là nguồn bình an đích thật. Xin cho mỗi chúng ta biết trân trọng và gìn giữ ân huệ cao quý này. Đồng thời, luôn nhận ra sự hiện diện của Thần Khí trong đời sống để xin Ngài soi sáng, đồng hành và hướng dẫn chúng ta trên đường tìm về với Chúa và đường đến tha nhân.
Kính chúc Quý Ông Bà và Anh Chị Em nhiều ân ban của Chúa Thánh Thần và một cuối tuần Lễ Hiện Xuống nhiều ân sủng và bình an.
Neuenkirchen, 30.05.2020
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
❉
❉
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay cùng toàn thể Giáo hội, chúng ta bước vào Tam Nhật Vượt Qua. Đây là những ngày cao điểm trong Năm Phụng vụ. Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, Giáo hội cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu. Trong Bữa Tiệc Ly này, Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để nêu gương bài học của tình yêu phục vụ và tự hủy. Đồng thời cũng trong Bữa Tiệc Ly này, chính Thầy Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh. Ngày mai, Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo hội tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Đấng Cứu Thế để rồi vào đêm Thứ Bảy, chúng ta cùng vang lên ca khúc khải hoàn mừng Chúa Phục sinh.
Trong những ngày Thánh này, chúng ta được mời gọi chuẩn bị tâm hồn cách xứng hợp để hiệp thông cùng toàn thể Hội thánh cử hành và sống Mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Qua đó, chúng ta kết hợp cuộc sống của người Kitô hữu với số phận của Thầy Chí Thánh Giêsu. Chúng ta được cũng cố trong niềm tin chắc chắn rằng: qua đau khổ sẽ dẫn đến vinh quang và được đón nhận sức sống mới trong ánh sáng của Đấng Phục Sinh. Nói như Thánh Phaolô Tông đồ trong thư gởi tín hữu Rôma: "Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta (Rm 6,8).
Với tất cả mọi thứ được thay đổi, mọi thứ đều mới. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta xuất hiện trong một ánh sáng mới. Và lời hứa này rất quan trọng đối với chúng ta, đặc biệt là vào Lễ Phục sinh năm nay. Chúng ta đang trải qua một Tuần Thánh chưa từng có trong lịch sử Giáo hội khi mà các tín hữu không thể đến nhà thờ để tham dự các cử hành phụng vụ; khi mà các linh mục phải cử hành Thánh lễ không có sự hiện diện của Anh Chị Em. Nhưng không sao! Trong cơn khủng hoảng này, chúng ta hãy để lời của Đấng Phục Sinh an ủi chúng ta: „Đừng sợ!“ (Mt 28,5). Khi chúng ta không được đến nhà thờ thì hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn và cánh cửa gia đình để Chúa đến nhà chúng ta.
Mến chúc Anh Chị Em những ngày Thánh này thật dồi dào Ơn Thánh và phúc lành của Chúa.
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
❉
Kính gởi đến Quý Ông Bà, Anh Chị Em và Gia đình phép lành của Chúa Giêsu Thánh Thể từ Nhà nguyện Trung tâm Mục vụ Neuenkirchen.
Xin Chúa giữ gìn chúng ta và toàn thế giới.
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
❉
Anh Chị Em thân mến,
Chỉ một vài ngày nữa, Mùa Chay, mùa sám hối để chuẩn bị cho lễ Phục sinh sẽ bắt đầu. Để bắt đầu cho mùa thao luyện thiêng liêng này, Chúa nhật cuối cùng trước Mùa Chay, chúng ta được nghe bài Tin mừng mang đầy thách thức: „Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời“ (Mt 5,44-45).
Chúa Giêsu qua lời mời gọi này muốn phá tan đi vòng xoáy của hận thù, tàn nhẫn và bạo lực. Ngài cố ý gây nên một ý thức tích cực mang tính tương phản: dùng tình yêu để dập tắt hận thù, lấy lòng nhân để đẩy lùi bạo lực và lấy Tin mừng để cảm hóa tha nhân.
Riêng mỗi người, chúng ta thấy lời mời gọi của Thầy Giêsu có đụng chạm gì đến chúng ta? Nhiều người trong chúng ta vẫn thường nghĩ: „Tôi là một người tốt. Tôi không có kẻ thù“. Có thể chúng ta nên vài lần chuyển đổi câu hỏi: „Tôi có là kẻ thù của ai? Có ai nghĩ tôi là kẻ thù của họ?“ Đó có thể là người đồng nghiệp, hàng xóm, bạn học hay một thành viên trong cộng đoàn mà tôi loại trừ họ vì họ không thích tôi.
Chúa Giêsu nói cho chúng ta cách thức tiếp cận những người này: Hãy đến với họ. Hãy đến và bắt lại nhịp cầu tương quan với những người sợ bạn và những người bạn sợ. Với cách này, có thể chúng ta sẽ có dịp sửa chữa và làm rõ điều gì đó đã khiến cho mối tương quan bị „đóng băng“ trong thời gian lâu dài. Đôi khi chỉ cần một cuộc nói chuyện rõ ràng trong tinh thần đối thoại để có thể hoà giải và hòa hợp với anh chị em chúng ta.
Đó là một giải pháp và là sứ điệp của Mùa Chay được bắt đầu từ Thứ Tư Lễ tro. Để làm điều đó, Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta 40 ngày của Mùa Chay Thánh. Hãy sử dụng nó!
Kính chúc Anh Chị Em một cuối tuần vui khỏe và một khởi đầu Mùa Chay tốt lành.
Tuyên úy của Anh Chị Em
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
Kính thưa cộng đoàn,
Chúng ta bước vào Chúa nhật thứ 5 Thường niên năm A với sứ điệp lời Chúa qua bài Tin mừng, Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta sứ vụ của người Kitô hữu là trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.
Ai trong chúng ta cũng biết tác dụng của muối và ánh sáng. Chúa Giêsu mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta phải biết đem muối Phúc âm thẩm thấu vào cuộc đời. Phải đem ánh sáng của Phúc âm dẫn dắt con người hôm nay đi trong chân lý để chạm đến Thiên Chúa. Một khi muối và ánh sáng đều phải chịu tan biến thì nó mới sinh ích lợi cho đời sống con người.
Mẫu gương nền tảng để chúng ta thực hiện điều đó chính là Chúa Giêsu. Ngài đã chấp nhận hòa tan chính mình trong dòng chảy của cuộc đời để trở nên mọi sự cho mọi người. Người đã yêu thương họ và yêu thương cho đến cùng. Đỉnh cao của sự hòa tan là chấp nhận tiêu hao chính mình, chấp nhận chịu nghiền nát, chịu tan biến đi như hạt lúa chịu mục nát trong lòng đất để trổ sinh những bông hạt mới.
Giáo hội sẽ khó có thể trở thành muối cho đời nếu mỗi Kitô hữu chúng ta để cho muối đời mình trở nên nhạt nhẽo, thiếu gia vị của yêu thương. Giáo hội cũng sẽ không thể dẫn dắt tha nhân đến với ánh sáng chân lý là Đức Kitô nếu các phần tử trong Giáo hội bước đi và nuôi dưỡng một đời sống trong đêm tối.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn sống ơn gọi đời mình như muối mặn, như ánh sáng hòa tan cho thế gian sự ấm áp và tràn ngập ánh sáng của Tin mừng tình yêu.
Kính chúc cộng đoàn một tuần mới an vui trong tình Chúa.
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
Cộng đoàn thân mến,
Trong niềm hân hoan cùng Hội thánh, chúng ta bước vào Chúa nhật thứ 4 Mùa Vọng, là Chúa nhật cuối cùng để chuẩn bị mừng Đại lễ Chúa Giáng sinh.
Tất cả ba bài đọc trong Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật này đều hướng về sự kiện căn bản rằng: “Con Thiên Chúa Nhập Thể và sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần”, theo như lời hứa của Thiên Chúa trong lịch sử dân Ngài. Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng trần. Ngài là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đến để chiếu soi vào trần thế tăm tối một luồng ánh sáng mới từ trời cao. Ngài soi chiếu ánh sáng chân lý để đầy lùi bóng tối gian tà. Ngài thắp lên thứ ánh sáng tình yêu để xua tan bóng đêm của ích kỷ và hận thù. Ngài hạ mình bước vào trần thế để ném và khơi lên ngọn lửa yêu thương và phục vụ cho thế nhân.
Năm xưa, thánh Giuse và Mẹ Maria đã cộng tác với Chúa để mang ánh sáng vào trần gian. Với hai tiếng XIN VÂNG, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa đi vào thế giới qua cung lòng của Mẹ. Thánh Giuse cũng đã cộng tác bằng hai tiếng XIN VÂNG để trở thành cha nuôi của Đấng Cứu Thế. Cả hai đã cùng đáp trả lại chương trình của Thiên Chúa bằng hai tiếng XIN VÂNG như lời dâng hiến cuộc đời để trở nên khí cụ của Chúa mang ánh sáng vào thế gian. Chính Mẹ Maria và thánh Giuse đã chấp nhận từ bỏ ý riêng, từ bỏ nếp sống và dự tính của riêng mình để tuân hành tiếng gọi của Trời Cao.
Hôm nay Thiên Chúa vẫn đang cần chúng ta hãy trở thành ánh sáng cho trần gian. Hãy thắp lên cho thế giới ánh sáng của yêu thương, của tình liên đới, cảm thông và chia sẻ. Hãy là chứng nhân của Tin mừng để dắt con người đến cùng ánh sáng đích thực, ánh sáng vĩnh cửu là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là Ánh Sáng thật và là cội nguồn ánh sáng.
Nơi hang đá Giáng sinh, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm sự vâng phục của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Đồng thời, hãy tha thiết nguyện cầu để được các Ngài hướng dẫn cuộc đời mỗi chúng ta.
Kính chúc Quý Ông Bà, Anh Chị Em, các bạn Trẻ và các Cháu một tuần thứ 4 Mùa vọng nhiều phúc lành của Thiên Chúa.
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
Tuyên úy
Anh Chị Em rất thân mến,
Chúng ta đang sống trong những thời khắc cuối cùng của năm 2019 và Năm mới 2020 đang đến rất gần. Sự vận hành thay đổi của thời gian năm tháng và những biến cố xảy đến trong cuộc sống thường ngày không nằm ngoài sự an bài của Thiên Chúa Tình Yêu.
Trong ngày đầu năm mới và cũng là ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình, Giáo hội long trọng cử hành Lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra trong Tuần Bát nhật Giáng sinh khi chúng ta đang cử hành Mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là sứ giả hòa bình đích thực của chúng ta.
Giáo hội mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong ngày đầu năm mới với mong muốn gợi lên cho con cái mình hình ảnh và mẫu gương sống đức tin của Mẹ - Một mẫu gương can đảm, dám đặt trọn đời mình cho chương trình và ý định của Thiên Chúa.
Ngày đầu năm mới, Giáo hội khẩn khoản nài xin ơn Hòa bình cho toàn thể nhân loại để con người có thể sống hài hòa với nhau trong sự vâng phục Thánh ý Thiên Chúa, trong hy sinh quên mình để phục vụ lẫn nhau trong sự thật, công lý, tự do và tình thương nhằm kiến tạo một nền hòa bình thực sự bền vững.
Trong tiến trình đi đến một nền hòa bình thực sự bền vững đó, không thể thiếu yếu tố hòa giải trong tình hiệp thông huynh đệ. “Con đường hòa giải này là một lời triệu tập để khám phá trong sâu thẳm trái tim chúng ta sức mạnh của sự tha thứ và khả năng thừa nhận lẫn nhau như anh chị em. Khi chúng ta học cách sống trong sự tha thứ, chúng ta phát triển khả năng trở thành những người nam nữ của hòa bình” (Đức Thánh Cha Phanxico - Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới 01.01.2020)
Bên thềm năm mới, con xin được dùng lời Chúa từ sách Dân số trong bài đọc 1 lễ đầu năm để kính gởi đến toàn thể Anh Chị Em như lời khẩn khoản cầu xin phúc lành của Thiên Chúa:
“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em” (Ds 6,24-26).
Trung tâm Mục vụ Neuenkirchen, chiều cuối năm, 31.12.2019.
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
Tuyên úy