Offcanvas Section

You can publish whatever you want in the Offcanvas Section. It can be any module or particle.

By default, the available module positions are offcanvas-a and offcanvas-b but you can add as many module positions as you want from the Layout Manager.

You can also add the hidden-phone module class suffix to your modules so they do not appear in the Offcanvas Section when the site is loaded on a mobile device.

Anh Chị Em thân mến,

Chúa nhật IV Mùa vọng hướng tâm trí chúng ta đến thật gần mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, mầu nhiệm mà mỗi người con của Giáo hội được mời gọi đón nhận với tâm hồn được chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt bốn tuần Mùa vọng. Tất cả những bài đọc trong Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật này đều hướng về sự kiện căn bản này: “Con Thiên Chúa Nhập Thể và sinh ra bởi Người Nữ Đồng Trinh, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần”, theo như lời hứa của Thiên Chúa trong lịch sử dân Chúa.

Thưa anh chị em, “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Khi trao ban cho thế gian Con Một của Ngài, Thiên Chúa đã muốn dạy cho mọi người nói chung một thứ ngôn ngữ tức là ngôn ngữ của tình yêu. Chính vì thế mà Ngài đã mang tên gọi là EMMNUEL, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, tên gọi được báo trước qua lời Ngôn sứ Isaia cũng như qua lời Thiên Sứ báo tin cho ông Giuse: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngài đến ở cùng chúng ta để làm gì, nếu không phải là để nói cho chúng ta về tình yêu vô biên của Thiên Chúa bằng cả cuộc sống yêu thương đến tột cùng của Ngài, từ lúc sinh ra trong hang đá Bêlem đến cái chết treo trên thập giá. Đó là tất cả tiếng nói của tình yêu Thiên Chúa.

Yêu nhau trăm sự chẳng nề. Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng. Cao vời nào cao vời như Thiên Chúa, thấp hèn nào như thấp hèn kiếp bụi tro, nhưng “một trăm chỗ lệch” ấy đã được “kê bằng” để Thiên Chúa đến với con người, ở giữa con người, sống như con người, chỉ trừ tội lỗi. Chỉ có Đức Giêsu Kitô với hai bản tính Thiên Chúa và con người, Ngài mới thật sự là nhịp cầu nối trời và đất. Thiên Chúa cúi xuống với con người để con người được vươn lên tới Thiên Chúa.

Do đó, Giáng sinh là lễ của sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Điều này được Thánh Tông đồ Phaolô diễn tả rõ ràng trong Thư gửi tín hữu Philipphê, khi ngài nói về kenosis (Pl 2:7): “trở thành hư không”, “làm cho mình ra trống không”, trút bỏ vinh quang Thiên Chúa. Chúa Giêsu, đến giữa chúng ta như một người trong chúng ta, đã chấp nhận cả sự nghèo khó và sỉ nhục của lịch sử chúng ta, ngay cả ở cấp độ thấp nhất thực sự là cấp độ của những người bị loại bỏ: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự!” (Philíp 2:8).

Hơn nữa, Ngài còn muốn làm người nghèo giữa những người nghèo khổ, bị áp bức và bỏ rơi. Ngài muốn cho ngày Giáng sinh trở thành ngày trời đất giao hoà, để cho Thiên Chúa và loài người gặp gỡ yêu thương, cho hoà bình chớm nở trên trái đất. Ngài muốn cho ngày Giáng sinh trở thành ngày Đấng Tối Cao xa lạ trở thành thân quen, thành bạn hữu của loài người, để kêu gọi loài người hãy nhận nhau là anh em, là bạn hữu. Ngài muốn cho ngày Giáng sinh trở thành ngày Đấng giàu sang khôn sánh trở thành người nghèo khó, để cho người nghèo khó nhất cũng được trở nên ngang hàng với Con Thiên Chúa. Và như vậy để loài người biết yêu thương và tôn trọng người nghèo, những người bị bỏ rơi như yêu thương và kính trọng chính Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, EMMNUEL, Thiên Chúa đã làm người và ở cùng chúng ta. Ngài đã nói với loài người chúng ta bằng ngôn ngữ của tình yêu và Ngài muốn dạy cho mọi người nói chung một ngôn ngữ của tình yêu này. Ngài còn biết rằng một khi người ta bắt đầu nói bằng ngôn ngữ của tình yêu thì những điều kỳ diệu sẽ lập tức xuất hiện khắp nơi: các quốc gia sẽ chia sẻ nguồn lợi và tài nguyên cho nhau, mọi quốc gia và dân tộc sẽ tôn trọng nhau, mọi gia đình và các cộng đoàn sẽ hoà thuận thương yêu nhau, khắp nơi mọi người sẽ xiết chặt tay nhau trong tình thân hữu. Và như thế, chúng ta có thể đồng thanh tung hô: “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Lòng chúng ta sẽ trống rỗng nếu chúng ta không tiếp đón Ngài là Thiên Chúa Nhập Thể trong chính tâm hồn chúng ta. Ngài đến để đi vào mọi ngõ ngách tâm hồn chúng ta, nơi mà chúng ta chưa bao giờ dám chia sẻ cùng ai, đồng hành cùng ai. Hiểu được Đức Giêsu Kitô là ai, Ngài từ đâu đến, con người mới biết cách tiếp đón Ngài và đón tiếp Ngài với trọn vẹn niềm tin yêu và phó thác.

Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu, Đấng được sinh ra cho chúng ta, ơn đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh và để cho chúng ta được biến đổi khi Ngài đến.

Kính chúc anh chị em tuần cuối cùng của Mùa vọng nhiều ơn thánh và một đại lễ Giáng sinh vui tươi trong niềm vui Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

🕯️🕯️🕯️🕯️

 

Anh chị em thân mến,

Chúa nhật III Mùa vọng được gọi là Chúa nhật hồng. Đây là Chúa nhật của niềm vui vì giờ cứu độ đã gần tới. Giờ của hân hoan, của hy vọng vì đã tới ngày Thiên Chúa viếng thăm dân Người. Chủ đề chính yếu của Chúa nhật hồng này là „Gaudete – Hãy vui lên!“ „Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại lần nữa: vui lên anh em! Chúa đã gần đến (Ph 4,4-5). Với những lời này, thánh Phaolô Tông đồ làm tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên. Niềm vui này nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với con người sống động là Chúa Giêsu.

Ngôn sứ Isaia giới thiệu cho chúng ta một niềm vui, đó là niềm vui được giải thoát, được cứu độ. Bằng rất nhiều hình ảnh, ngôn sứ đã gợi lên cho chúng ta thấy, ngày Thiên Chúa đến, Ngài sẽ giải thoát và biến đổi chúng ta khỏi sự khô cằn chết chóc. Như hoang địa đón được mưa trời, như cây cối vũ trụ mong chờ mùa xuân sau một mùa đông băng giá và nhanh chóng sẽ trổ sinh hoa lá mới, thì ngày Thiên Chúa đến, Ngài cũng sẽ biến những tâm hồn khô cằn thành mảnh đất màu mỡ, biến những tâm tư ủ rũ úa tàn thành phấn khởi hân hoan. Ngôn sứ còn cho thấy niềm vui sâu xa mà Thiên Chúa mang đến, đó chính là niềm vui vì có sự hiện diện của Chúa trong mỗi tâm hồn. Có Chúa, Ngài sẽ ban sức mạnh để chúng ta không còn sợ hãi. Ngài sẽ giải cứu con người khỏi sự ràng buộc của đau khổ, bệnh tật và chết chóc là những thứ vốn gây lo âu buồn sầu cho kiếp nhân sinh.

Trong Tin mừng của Chúa nhật này, chúng ta bắt gặp một nhân vật có vai trò đặc biệt là Gioan Tẩy giả - vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước được sai đến để dọn đường và dọn lòng nhân thế đón Chúa Giáng sinh. Đang bị giam trong tù vì lên tiếng tố cáo hành vi sai trái của Hêrôđê, Gioan sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu có phải là Đấng phải đến không? Trước câu hỏi đó, Chúa Giêsu không dùng lời nói nhưng dùng chính việc làm để minh chứng về mình. Vì thế, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ của Gioan thấy những việc Ngài đang làm và bảo họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin mừng…Cách trả lời này của Chúa Giêsu đã mang đến một niềm vui lớn lao vì Chúa đã đến thật rồi.

“Gaudete” Hãy vui lên! Chúng ta lặp lại lời thánh Phaolô lần nữa: “Anh em hãy vui lên!” (Ph 4,4). Niềm vui chân thực không phải là kết quả sự vui chơi giải trí, nhưng gắn liền với một cái gì sâu xa hơn, đó là tương quan với Thiên Chúa. Ai đã gặp được Chúa Kitô trong cuộc đời, người ấy sẽ cảm nghiệm sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn mà không một ai hoặc hoàn cảnh nào có thể tước mất. Thánh Augustinô đã hiểu điều đó rất rõ. Trong cuộc tìm kiếm của ngài đối với chân lý, an bình và mừng vui, sau khi đã kiếm tìm trong nhiều sự mà không có kết quả, thánh nhân đã kết luận với câu thời danh rằng: “Tâm hồn bất an của con người chỉ tìm được thanh thản và an bình cho đến khi được an nghỉ trong Chúa” (Le Confessioni, I,1,1).

Thưa anh chị em, với sứ điệp lời Chúa trong Chúa nhật của niềm vui hôm nay, có thể một số người sẽ hỏi: làm sao tôi có thể vui được giữa một cuộc sống bấp bênh và nhiều bất an như hiện nay? Làm sao có thể vui được khi tâm hồn tôi vẫn còn đó những hố sâu vực thẳm và lắm nẻo quanh co khiến tôi xa Chúa và khoảng cách với anh chị em? Đúng, ngay cả Gioan Tẩy giả ở trong tù cũng không cảm thấy vui. Niềm vui thiêng liêng, nhất là niềm vui của Tin mừng không phải là một cảm giác hay một cảm xúc, nhưng là một niềm xác tín của đức tin, đức cậy và đức mến nơi Chúa Giêsu Kitô. Do đó, lời Chúa mời gọi chúng ta vui, không chỉ vì những vẻ tưng bừng bên ngoài, cũng không chỉ là những cảm xúc vì bầu khí lễ Giáng sinh đang tới, mà Giáo hội muốn chúng ta vui với niềm vui phát xuất từ trong tâm hồn, niềm vui vì nhận ra sự hiện diện và đồng hành của Chúa, niềm vui vì chúng ta là những người được Chúa cứu độ, và vui vì chúng ta chu toàn nhiệm vụ Chúa trao. Đó mới là niềm vui đích thật và chỉ có niềm vui đích thật này mới làm cho cuộc sống chúng ta tươi vui, hạnh phúc.

Những ngày còn lại của Mùa vọng này, chúng ta được mời gọi hãy củng cố niềm xác tín rằng: Chúa đã đến giữa chúng ta. Ngài luôn mời chúng ta nhận ra sự hiện diện gần gũi đầy an ủi, yêu thương và vui mừng của Ngài. Chúng ta hãy tín thác nơi Chúa, như thánh Augustinô cũng đã quả quyết, do kinh nghiệm của ngài: “Chúa gần chúng ta hơn chúng ta gần chính mình” (Le Confessioni, III, 6,11).
Chúng ta hãy phó thác chính mình, gia đình và thế giới cho Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Giáo hội vừa mới long trọng mừng kính. Thần trí của Mẹ đã vui mừng trong Chúa là Đấng Cứu Độ. Xin Mẹ là ngôi sao sáng hướng dẫn tâm hồn chúng ta trong sự vui mừng chờ đợi Chúa Giêsu đến, một sự chờ đợi sống động trong đức tin, một sự chờ đợi với lòng đạo đức trong kinh nguyện và việc lành.

Mến chúc anh chị em một tuần mới tràn đầy sức khỏe và niềm vui.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

🕯️🕯️🕯️

 

 

 

Kính thưa anh chị em,

Bài thánh ca về Đức Mẹ mang tựa đề Sao biển ở sách Phụng ca mà rất nhiều gia đình và cộng đoàn chúng ta thường hát có câu: “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian”. Ca từ này đã ví Mẹ như một ngôi sao tỏa sáng soi lối giữa biển đời đêm đen rùng rợn, hiểm nguy. Nhưng dẫu cho cuộc đời có bị bao trùm bởi một bóng đêm dày đặc: Chiến tranh vẫn còn kéo dài giữa trời Tây, cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt vẫn chưa tìm được lối thoát, giá cả gia tăng làm ảnh hưởng không ít đến đời sống, đại dịch Covid vẫn chưa hoàn toàn kết thúc thì giữa bầu trời u ám ấy vẫn còn đó đôi bàn tay từ mẫu của Mẹ rộng dang, để ban phát ơn lành và sẵn lòng nâng đỡ những người con đang vật lộn với phong ba bão táp cuộc đời.

Tin mừng của ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm hôm nay tường thuật lại cuộc gặp gỡ giữa sứ thần và Mẹ Maria. Mẹ là một thôn nữ miền quê, thế nhưng Mẹ đã được tạo dựng trở thành một ngôi sao dẫn lối nhân gian. “Kính chào bà đầy ơn sủng” – đây là lời chào khởi đầu cuộc gặp gỡ giữa sứ thần với Mẹ. Lời chào từ sứ thần được Chúa sai đến cho thấy cuộc đời Đức Mẹ đã được bao trùm bằng ân sủng của Chúa ngay từ lúc thụ thai. Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ bằng ân sủng của Ngài để Mẹ không vấn vương tội đời, không tỳ ố trong xác phàm để cung lòng Mẹ xứng đáng là đền thờ cho Chúa Ngôi Hai. Dẫu cho cuộc đời Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn và định đoạt nhưng Chúa vẫn để cho Mẹ một khoảng trống tự do đáp trả. Điều khác thường khi Mẹ sống kiếp người bình thường đó là Mẹ luôn giữ mình thanh khiết, luôn tỏa sáng bằng việc
chọn Chúa hơn là chọn những giá trị thế gian nên Mẹ đã được xem là “Hằng đẹp lòng Thiên Chúa”.

Mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội hôm nay, chúng ta tạ ơn Chúa đã tạo dựng cho nhân loại chúng ta một người Mẹ tuyệt vời – một ánh sao rạng ngời tỏa sáng để dẫn lối cho ai đang lầm lạc biết quay về cùng Chúa tình thương. Tạ ơn Chúa đã tặng ban cho chúng ta một ánh sao rạng ngời bởi sự thanh khiết, bởi tình yêu trao ban luôn hằng lắng nghe và làm theo thánh ý Chúa để phục vụ tha nhân.

Cuộc sống hôm nay vẫn còn đó đầy dãy những cạm bẫy vây quanh. Nhiều người hôm nay vẫn mãi mê với trần thế và không hề nghĩ đến lối dẫn về trời. Họ quá bận rộn với chuyện cơm áo gạo tiền đến nỗi quên rằng mục đích của đời người là tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Chúng ta vẫn cần lắm sự dẫn lối của Mẹ. Đồng thời, mỗi người cũng được mời gọi trở thành ánh sáng dẫn lối cho tha nhân.

Xin hân hoan chúc mừng Ban Đại diện cùng quý anh chị em Cộng đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm Papenburg nhân ngày lễ Bổn mạng hôm nay cũng như tất cả những ai chọn Đức Maria tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Quan thầy. Nguyện xin Chúa nhờ lời chuyển cầu và gương sáng đức tin của Mẹ, gìn gìn thế giới chúng ta trong ân sủng và bình an.


Neuenkirchen, 08.12.2022

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

💞

 

Kính thưa cộng đoàn,

Chúa nhật thứ 2 Mùa vọng, chúng ta được nghe lời của ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất. Đây là vị ngôn sứ đã sống, rao giảng và viết lách trong thời kỳ mà người Do Thái và toàn thể dân tộc Israel đã trải qua như một thảm họa thiên niên kỷ. Các vương quốc hưng thịnh một thời đã bị nghiền nát bởi các cường quốc. Tầng lớp thượng lưu bị giết hoặc bị bắt cóc. Nhiều người sống sót thì bị buộc phải bỏ tất cả lại phía sau để đi lưu đày. Trong hoàn cảnh vô vọng này, ngôn sứ Isaia loan báo một khởi đầu mới và vẽ nên nó bằng những hình ảnh hy vọng đẹp đẽ vượt thời gian.

Gioan Tẩy giả cũng vậy. Vào thời của ông, nhiều người đã tuyệt vọng. Gioan nhắc họ nhớ đến ngôn sứ Isaia và loan báo về một vương quốc thiên đàng đang đến gần. Chính Chúa sẽ đến và sắp xếp lại thế giới. Gioan rút lui vào sa mạc và nhiều người đã đổ xô tìm tới nghe ông rao giảng và khơi lên nơi họ niềm hy vọng.

Hôm nay chúng ta có thể cảm thấy tươi cười hơn khoảng thời gian này của 2 năm trước, khi người dân biết rằng chúng ta đang đối mặt với đại dịch COVID 19 và không ai có thể đoán được hậu quả cụ thể mà điều này sẽ gây ra, nhiều người đã hoảng sợ và tích trữ thực phẩm và đồ gia dụng. Ngay cả giấy vệ sinh cũng được bán hết. Khi lo sợ về những thời điểm không chắc chắn, nhiều người phản ứng với sự hoảng loạn. Một số phương tiện truyền thông cũng đã hỗ trợ họ trong việc này. Chưa hết, hiện nay chúng ta cũng đang phải đối mặt với một số điều bấp bênh: giá cả mọi thứ đang trở nên đắt đỏ hơn, bao gồm cả hàng tạp hóa thiết yếu, chi phí nhiên liệu và khí đốt đang tăng lên, nhiệt độ đang giảm. Chiến tranh vẫn đang tiếp diễn và có thể sẽ khốc liệt hơn vào mùa đông lạnh giá. Và đại dịch có lẽ vẫn chưa kết thúc.

Tuy nhiên, Isaia và Gioan Tẩy giả không chỉ mơ về một thời kỳ tốt đẹp hơn - những giấc mơ được cho là khởi đầu của một thực tại mới. Họ còn kêu gọi những thái độ mà họ cho là cần thiết làm nền tảng cho sự đổi mới. Thái độ nền tảng đó được thể hiện qua lời loan báo: „Anh em hãy sám hối“ để dọn đường Chúa đến. Với lời kêu gọi đó, dân chúng đã tuôn đến nghe Gioan rao giảng và thực hành sám hối chuẩn bị tâm hồn để đón Đấng Thiên Sai, Đấng mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo từ 8 thế kỷ trước công nguyên.

Như một dấu hiệu của sự từ bỏ những thói quen cũ, Gioan Tẩy giả đã dìm họ xuống dòng sông Giođan để tẩy đi những vết nhơ của quá khứ. Thánh nhân đồng thời cũng đã ý thức rất rõ giới hạn của mình rằng ông chỉ là tiếng hô trong hoang địa. Ngài khơi lên trong lòng dân chúng niềm hy vọng về Đấng sẽ đến sau, Đấng mà chính ông cũng không đáng cởi quai dép cho Ngài, Đấng ấy không chỉ thực hiện phép rửa bằng nước nhưng bằng lửa và Thánh Thần. Và, trong lửa của Thánh Thần, các thế hệ mai sau sẽ được thanh luyện.

Mùa vọng nhắc chúng ta nhớ đến sứ điệp của hai ngôn sứ Isaia và Gioan. Mục đích của họ không phải là gieo rắc nỗi sợ hãi, gieo rắc sự hoảng loạn hay thậm chí kích động nổi loạn. Trên hết, họ muốn củng cố niềm hy vọng. Họ không chỉ mơ về một thực tế mới, họ còn thách thức những người theo họ tạo điều kiện và đặt nền tảng cho sự đổi mới: thực hành sám hối và mặc lấy một tinh thần mới trong sự chỉ dạy khôn ngoan của Thiên Chúa. Đó cũng là tinh thần khi chúng ta cử hành Mùa vọng hôm nay.

Các cuộc khủng hoảng hiện nay khiến chúng ta nhận thức được rằng ngày nay cũng cần có tư duy mới nếu muốn mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi nạn đói trên thế giới nếu chúng ta đầu tư vào việc sản xuất thực phẩm lành mạnh thay vì đầu tư vào vũ khí và do đó biến "gươm đao thành cuốc thành cày".

Chúng ta chỉ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng và khí hậu nếu chúng ta học cách tìm ra những phương thế mới để tạo ra năng lượng và giảm mức tiêu thụ năng lượng.

Chúng ta sẽ chỉ ngăn chặn các cuộc chiến tiếp theo nếu chúng ta dẹp bỏ được những tham vọng thấp hèn, tìm cách cân bằng và phân phối các nguồn lực sẵn có một cách công bằng và bác ái.

Chúng ta nên cẩn thận đừng để mình bị ru ngủ với những cảm xúc trước lễ Giáng sinh trong Mùa vọng. Điều gì có thể cho chúng ta hy vọng trong cuộc khủng hoảng hiện nay? Nó không chỉ là mơ về một thực tế mới. Nó cần một sự phản tỉnh, một tinh thần mới dựa trên những giá trị cũ không thể thiếu. Đừng quên rằng, lời mời gọi sám hối của Gioan Tẩy giả vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta hôm nay. Chúng ta không sám hối vì bị đe dọa và sợ hãi, nhưng vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương nơi Đức Giêsu.

Mến chúc anh chị em tuần thứ 2 Mùa vọng tốt lành và thánh thiện.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

🕯️🕯️

 

Anh Chị Em thân mến,

Năm Phụng vụ mới được Giáo hội bắt đầu với Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa khơi dậy cho con cái Chúa một niềm vui đầy hy vọng và trông đợi Chúa đến. Sự trông đợi này không giống như sự chờ mong của dân Do Thái ngày xưa mong đợi sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, bởi Ngài đã đến trần gian cách đây hơn 2000 năm rồi.

Như thế, Mùa Vọng không phải chỉ là thời gian để Giáo hội nhìn về quá khứ, hoài niệm về biến cố Con Thiên Chúa đã giáng trần và cử hành biến cố này với lễ Giáng sinh. Nhưng Mùa vọng còn là thời gian hướng chúng ta về tương lai, về biến cố Chúa ngự đến lần thứ hai trong vinh quang vào lúc cuối cùng của lịch sử nhân loại hay trong ngày tận cùng của đời người. Điều đáng nói ở đây là việc Chúa đến lần thứ hai này hoàn toàn mang tính bất ngờ. Vì bất ngờ cho nên phải tỉnh thức. Chúa Giêsu so sánh với thái độ thức tỉnh canh chừng kẻ trộm của người chủ nhà: “Anh em hãy biết điều này, nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 21,43-44).

Trong Mùa Vọng, chúng ta cũng được mời gọi và khuyên nhủ hãy dọn lòng trong sạch để xứng đáng đón rước Chúa đến với mỗi tâm hồn bằng ơn thánh, bằng tình yêu thương và sự an bình của Chúa. Lời mời gọi này vang lên giữa lúc còn bao người quanh chúng ta cần được chia sẻ ủi an và những đau thương đổ nát do cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với đất nước Ucraine vẫn đang còn tiếp diễn.

Ước gì những tuần chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh thực sự giúp chúng ta tìm hiểu sâu hơn về mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa. NGÀI cũng đã trở thành một con người cho tôi - và không chỉ cho tôi mà cũng cho mọi người khác bên cạnh tôi.

Kính chúc Anh Chị Em bước vào Mùa Vọng với con tim tràn đầy hy vọng và nhiều phúc lành của Chúa.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

🕯️

 

 
14.4 TAM NHẬT VƯỢT QUA

TAM NHẬT VƯỢT QUA


Kính thưa quý Ông Bà và Anh Chị Em,

Cùng với Hội thánh, hôm nay chúng ta bước vào Tam Nhật Vượt Qua. Trong những ngày này, Hội thánh lưu tâm đến việc cử hành phụng vụ cách trọng đại được bắt đầu với Thánh lễ Tiệc Ly chiều nay.

Người Do Thái mừng Lễ Vượt Qua hằng năm để tưởng nhớ biến cố Thiên Chúa đã giải thoát họ ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Chúa Giêsu mượn biến cố này để bắt đầu Cuộc Thương Khó của Ngài, khi cùng với các môn đệ thân tín dùng bữa ăn Vượt Qua. Nhưng Ngài muốn cho bữa ăn này trở thành bữa tiệc của Giao Ước mới mà Ngài sẽ thiết lập, khi đổ máu mình trên Thập Giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn và thức uống, Ngài muốn chúng trở thành Mình và Máu Ngài, để nuôi dưỡng thế gian và để Ngài ở lại với họ luôn mãi.

Mỗi lần cử hành Thánh lễ, cộng đoàn Dân Chúa hiện tại hóa bữa tiệc của Chúa Giêsu để tưởng niệm Ngài đã chết và sống lại, mừng vui vì Ngài hiện diện và trông chờ Ngài lại đến. Nhưng trong Thánh lễ Tiệc Ly của Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, đặc biệt hơn những ngày khác, ngày Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể và thiết lập chức Linh Mục Thượng Phẩm, để qua các linh mục, Chúa tiếp tục sự hiện diện của Ngài luôn mãi với nhân loại trong mầu nhiệm Thánh Thể cho đến ngày Chúa lại đến trong vinh quang.

Hôm nay, khi hoàn cảnh đại dịch đã giảm nhẹ, trong nghi thức phụng vụ chiều nay, linh mục lại thực hiện điều mà chính Thầy Chí Thánh đã trối lại là rửa chân cho các môn đệ. Qua cử chỉ này, Chúa muốn dạy các môn đệ và cả chúng ta nữa: hãy bắt chước Ngài, để luôn cúi mình yêu mến và phục vụ anh chị em.

Chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục và các Linh mục luôn là những mục tử như lòng Chúa ước mong, là quà tặng của tình yêu Chúa cho nhân loại. Chúng ta cũng cầu nguyện cho chính chúng ta nữa: Biết nhìn mẫu gương tự hủy và phục vụ của Thầy Chí Thánh Giêsu để cũng biết bẻ tấm bánh đời mình trao cho tha nhân.

Kính chúc quý Ông Bà và Anh Chị Em bước vào Tam Nhật Thánh với tâm tình sốt mến và nhiều ơn thánh.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 

PPQ

Kính thưa Quý Ông Bà, Anh Chị Em, các bạn Trẻ và các Cháu,

Chúng ta đang sống trong tuần thứ nhất của mùa Chay, thời gian 40 ngày đặc biệt để trở về với Chúa, với anh chị em và với chính mình nhằm chuẩn bị tâm hồn mừng Đại lễ Phục sinh.

Cũng trong những ngày này, toàn thể nhân loại đang quặn lòng hướng về đất nước và người dân Ukraina, nơi đang trở nên hoang tàn đổ nát, tang thương và loạn lạc do cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Biết bao lời cầu nguyện khẩn thiết cho hòa bình đã, đang và còn sẽ tiếp tục được vang lên. Biết bao sự chia sẻ và cảm thông thiết thực đang được mở ra để nâng đỡ những người đang sống trong đau đớn và khủng hoảng tại đất nước họ hay những người đang phải chia lìa quê hương, ly tán gia đình để chạy qua các nước láng giềng xin tị nạn. Trong mọi thời đại, hòa bình luôn là niềm khao khát của nhân loại. Và mãi mãi, chiến tranh quả là sự man rợ khủng khiếp.

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống tâm tình của mùa Chay như thế nào trong bối cảnh xã hội hôm nay? Trong Sứ điệp mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Đối với hành trình mùa Chay năm 2022, sẽ rất ích lợi cho chúng ta khi chúng ta suy gẫm lời khuyên của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Galat: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,9-10).

Để có thể thực hiện tiến trình trên một cách hiệu quả, cần khởi đi từ tâm tình đón nhận lời Chúa. Lời Chúa là hạt giống tốt. Được kêu gọi gieo hạt giống tốt lành là một ân sủng vì được hiệp nhất với sự tốt lành vô biên của Đấng Tạo Hóa. Do đó, mùa Chay là thời gian của cầu nguyện và gẫm suy lời Chúa. Đừng mệt mỏi khi cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy rằng “hãy cầu nguyện luôn, đừng nản chí”. Rất nhiều anh chị em trong thời gian đại dịch và nhất là lúc này khi chúng ta liên đới với những nạn nhân trong hoàn cảnh chiến tranh cho thấy rằng: con người rất mong manh! Dẫu biết đức tin không miễn trừ những gian truân trong cuộc sống, nhưng lời cầu nguyện và kinh nghiệm gặp gỡ Chúa qua lời Ngài giúp sức chúng ta vượt qua những gian truân ấy để kết hợp với Thiên Chúa trong Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,1-5).

Bên cạnh đó, mùa Chay còn là thời gian sám hối. Sự thật và vẻ đẹp của cuộc sống có thể đạt được không phải ở việc tích lũy quá nhiều, nhưng gieo điều tốt và chia sẻ. Do đó, Mùa chay là thời điểm tập loại bỏ lòng tham, sự kiêu ngạo, mong muốn chiếm hữu, tích lũy và tiêu thụ. Cuộc sống không bao giờ được bảo đảm an toàn và hạnh phúc nhờ tài sản dư thừa và của cải cất giữ trong kho (Lc 12,16-21). Đừng mất kiên nhẫn khi cầu xin lòng thương xót và tha thứ từ Thiên Chúa. Khi được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta cũng được mời gọi hãy rộng lòng nhân từ để tha thứ cho nhau như Chúa Giêsu đã dạy trong Kinh Lạy Cha.

Sau cùng, mùa Chay còn là thời gian gặp gỡ tha nhân. Ngày nay, việc nghiện các phương tiện kỹ thuật số đang bào mòn và làm nghèo đi các mối quan hệ của con người. Vậy nên, mùa Chay là thời gian để vun đắp một tương giao giữa con người với nhau trọn vẹn hơn được tạo nên từ những “cuộc gặp gỡ thực sự”, diện đối diện chứ không phải qua màn hình hay bàn phím. Hiện nay hoàn cảnh dịch bệnh đã khả quan hơn rất nhiều, xin tha thiết mời gọi anh chị em, những người được Chúa thương ban vẫn an mạnh, hãy trở lại nhà thờ để tham dự Thánh lễ và các cử hành phụng vụ trong chiều kích hiện diện và hiệp thông của cộng đoàn Hội thánh thay vì kéo dài thói quen xem lễ online vốn chỉ hỗ trợ trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng. Mùa Chay là thời gian chăm sóc những người thân cận, gần gũi với những anh chị em đang bị thương trên đường đời (x. Lc 10, 25-37). Thế giới nói chung và các nước phương Tây nói riêng đang nỗ lực để đón nhận và chăm sóc những anh chị em tị nạn từ vùng chiến tranh. Đây cũng là tâm tình sống mùa Chay cách cụ thể và thiết thực mà chúng ta được mời gọi để tìm kiếm chứ không trốn tránh những người cần sự giúp đỡ đang ở gần bên, thậm chí những thành viên trong chính gia đình của mình; để đi đến chứ không phớt lờ những người đang cần một đôi tai cảm thông và một lời nói tốt lành; để thăm viếng chứ không bỏ rơi những người phải chịu đựng sự cô đơn.v.v.

Gợi lên những tâm tình sống đức tin đơn sơ như vậy từ Sứ điệp Mùa Chay năm nay để chúng ta cùng nhau lưu ý lời nhắn nhủ của thánh Phaolô đã được Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người”.

Nguyện xin Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chiến thắng những cơn cám dỗ của ma quỷ trong hoang địa nhờ sức mạnh liên kết với Chúa Cha; Đấng đã chiến thắng sự dữ khi chịu chết trên thập giá vì yêu thương; Đấng đã chiến thắng sự chết khi được mai táng trong mồ để phục sinh vinh hiển ban ân sủng và sức mạnh của Ngài để đổi mới chúng ta.

Neuenkirchen, 10.03.2022

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

????

 

PNQ
Anh Chị Em thân mến,
“Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh chị em, anh chị em đừng sầu thương khóc lóc vì niềm vui của Đức Chúa là sức mạnh và thành trì bảo vệ anh chị em”.

Đây là những gì chúng ta sẽ nghe trong bài đọc 1 của Chúa nhật này. Điều đó đã được nói với dân Israel trong lúc họ cần, và điều đó cũng đã được nói với chúng ta. Vâng, một số điều có thể khiến chúng ta chán nản vào lúc này, chẳng hạn khi chúng ta nghĩ đến cuộc khủng hoảng COVID còn dai dẳng chưa muốn kết thúc, về sự thờ ơ tôn giáo của rất nhiều người. Hay ngay trong tuần này - Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu bởi còn đó sự chia năm sẻ bảy của các cộng đoàn tín hữu Chúa Kitô. Chúng ta cầu nguyện để có được sự hiệp nhất trong những khác biệt. Như Thánh Phaolô trong bài đọc 2 cũng nhắc đến điều này rằng chúng ta có nhiều chi thể nhưng chỉ có một thân thể. Mỗi người có những khả năng khác nhau do Thánh Thần ban tặng. Sự khác biệt này tạo nên sự phong phú và đa dạng. Sẽ thật nhàm chám biết bao nếu mọi thứ và mọi người đều giống nhau. Tuy nhiên, vì những khả năng ấy đến từ Thánh Thần nên không hề mâu thuẫn với nhau. Thánh Phaolô cũng nhắc nhớ mỗi người chúng ta rằng, qua phép Rửa, chúng ta đều lãnh nhận cùng một Thánh Thần. Vì thế, là Kitô hữu, chúng ta có một nền tảng chung để xây dựng sự hiệp nhất.

Dĩ nhiên, theo quan điểm của con người, chúng ta thường có lý do để bi quan và buồn bã thậm chí thất vọng và ngã lòng cậy trông trước những biến cố của cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta đừng quên: Chúa là sức mạnh của chúng ta và Ngài đang ở giữa chúng ta. Sức mạnh ấy chúng ta tìm thấy từ chính lời Chúa và Tin mừng của Ngài.

Kể từ năm 2020, Chúa nhật thứ 3 Thường niên đã được Hội thánh chọn để cử hành ngày Chúa Nhật Lời Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tông sắc “APERUIT ILLIS - NGƯỜI MỞ TRÍ CHO HỌ” khi thiết lập ngày Chúa Nhật Lời Chúa như sau: “Đức Kitô Giêsu, qua Kinh Thánh, đang gõ cửa chúng ta; nếu chúng ta nghe và mở cửa tâm trí cũng như trái tim, thì Người sẽ bước vào cuộc sống và ở lại với chúng ta”.

Ước mong với Chúa nhật này, chúng ta cũng can đảm mở rộng cửa lòng để lời Chúa có thể đến cư ngụ và làm biến đổi đời sống mỗi người. Xin Thánh Thần của Chúa cũng liên kết chúng ta thành những gia đình và cộng đoàn hiệp nhất trong yêu thương.

Kính chúc tất cả Anh Chị Em một tuần mới tốt lành trong ân sủng của Chúa.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
 

Wir nutzen Cookies auf unserer Website. Einige von ihnen sind essenziell für den Betrieb der Seite, während andere uns helfen, diese Website und die Nutzererfahrung zu verbessern (Tracking Cookies). Sie können selbst entscheiden, ob Sie die Cookies zulassen möchten. Bitte beachten Sie, dass bei einer Ablehnung womöglich nicht mehr alle Funktionalitäten der Seite zur Verfügung stehen.