Offcanvas Section

You can publish whatever you want in the Offcanvas Section. It can be any module or particle.

By default, the available module positions are offcanvas-a and offcanvas-b but you can add as many module positions as you want from the Layout Manager.

You can also add the hidden-phone module class suffix to your modules so they do not appear in the Offcanvas Section when the site is loaded on a mobile device.

Kính thưa cộng đoàn,

Mùa Giáng sinh kết thúc khi Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa vào Chúa nhật này. Sự kết thúc này đánh dấu một khởi đầu mới trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.

Thánh Luca xác định rằng Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa “như toàn dân”. Người không hề phạm tội nhưng đã muốn liên đới với tất cả những người đến thú nhận tội lỗi và chịu phép rửa. Đấng vô tội đã hòa mình vào dòng người tội lỗi để lãnh nhận phép rửa. Đấng là Suối nguồn sự sống của thành đô Thiên Chúa nay đến chịu thanh tẩy trong dòng nước của sông Giođan nhỏ bé. Đấng đến để xóa tội trần gian lại bước xuống xin rửa tội từ con người. Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần đến xin chịu phép rửa bằng nước của Gioan. Chúa Giêsu chịu phép rửa không phải để được thánh hóa nhờ nước, nhưng chính Người thánh hóa dòng nước và để thanh tẩy những dòng nước mà Người chạm đến nhờ sự trong sạch tuyệt đối của Người.
Phụng vụ Chúa nhật này gợi nhắc về ơn gọi cao quý chúng ta đã lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội. Chúng ta nhìn vào gương mẫu Đức Giêsu, Con Chiên vô tội đã tự hạ, xếp mình ngang hàng với những tội nhân hèn mọn. Về phần chúng ta, chúng ta có đủ khiêm tốn nhận ra những bất toàn nơi con người mình để cố gắng sống thật sung mãn ơn gọi của Bí tích Rửa tội hay không?

Trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, và tiếng Chúa Cha từ trời phán xuống xác nhận Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó cũng chính là thân phận Kitô hữu của mỗi người chúng ta: chúng ta cũng đã lãnh nhận phép rửa, cũng được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Vậy chúng ta cũng hãy đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa qua gương Chúa Giêsu để cố gắng sống mỗi ngày được đẹp lòng Thiên Chúa.

Nhân dịp kết thúc Mùa Giáng sinh, con cũng muốn trong danh nghĩa Gia đình Liên Giáo Phận (LGP) Münster và Osnabrück, xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến mọi thành phần dân Chúa trong cũng như ngoài Gia đình LGP đã chung tay góp sức để chúng ta được mừng lễ cách sốt sắng, vui tươi và an toàn trong hoàn cảnh căng thẳng của đại dịch. Con muốn cám ơn sự cộng tác nhiệt tình của Hội đồng Mục vụ, quý Ban Đại diện các cộng đoàn, ban Phụng vụ, ca đoàn, giúp lễ, trật tự - vệ sinh, trang trí, âm thanh, truyền thông, ban nhạc Bremen, văn nghệ, ẩm thực; Những anh chị em đã ủng hộ các món ăn; nhóm các bác sĩ đã giúp thực hiện Testen cho cộng đoàn để đảm bảo 2G plus khi vào hội trường; Chính quyền Gemeinde Neuenkirchen và Trường học AJG đã tạo điều kiện cho phép chúng tôi quy tụ đến hơn 200 người để chung vui Giáng sinh; Cha xứ và Giáo xứ St. Anna Neuenkirchen luôn tạo điều kiện thuận lợi để chúng con tổ chức Thánh lễ tại Nhà thờ St. Josef. Con không quên cám ơn đến toàn thể cộng đoàn đã không ngại đường xa và rủi ro trong đại dịch để đến hiệp thông với nhau trong niềm vui dịp đại lễ. Con cũng muốn nói lời cám ơn đến những ai chưa được nhắc đến trên đây. Chắc chắc những sự hy sinh lớn nhỏ của mỗi người dù công khai hay thầm lặng cũng đáng nhận được lời khen ngợi từ Thiên Chúa: „Này là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con“.

Nhân đây, con cũng muốn lặp lại lời kêu gọi quý Ông Bà và Anh Chị Em một lần nữa dành chút thời gian đến tham dự Thánh lễ nhân chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Giám Mục Chính tòa Münster Dr. Felix Genn và Đức Giám Mục Phụ tá Dieter Geerlings đến Gia đình LGP chúng ta vào thứ Bảy tuần tới đây, 15.01.2022. Thánh lễ lúc 17 giờ 30 tại St. Josef, Kirchstraße 9, 48485 Neuenkirchen (2G-Regel, ghi danh nơi trưởng cộng đoàn đến ngày 10.01.2022). Rất tiếc rằng theo chương trình dự tính ban đầu, sau Thánh lễ sẽ có buổi ăn tối chung của toàn thể cộng đoàn với quý Đức Cha tại hội trường nhưng do hoàn cảnh COVID nên phần này không thể thực hiện được. Ngài gởi lời rất mong chúng ta thông cảm và hẹn gặp nhau trong Thánh lễ lúc 17 giờ 30.

Lịch Công giáo 2022 của Liên đoàn Công giáo gởi tặng đến các gia đình nhưng do quá trình in ấn bị chậm trễ nên con chỉ mới vừa nhận được cách đây ít hôm. Xin quý Ban đại diện cộng đoàn đến Trung tâm Mục vụ dịp ngày 15.01 này nhận về để trao gởi đến các gia đình. Việc ủng hộ nhiều ít bù vào chi phí in ấn là tùy lòng hảo tâm của Anh Chị Em.

Tờ Thông tin Mục vụ của Gia đình LGP chúng ta sẽ ra sau dịp lễ ngày 15.01 này.

Kính chúc quý Ông Bà và Anh Chị Em nhiều sức khỏe và bình an của Chúa suốt mọi ngày trong năm mới 2022.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 ☼

 

Mừng Chúa Giáng Sinh 2021


Kính thưa Hội đồng Mục vụ, quý Ban ngành, quý Ông Bà, Anh Chị Em, và các Cháu,

Một mùa Giáng sinh nữa lại về trong lòng Giáo hội và trên toàn thế giới. Trong Tin mừng của Đêm Thánh hôm nay, chúng ta nghe lại lời của sứ thần công bố: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

Lời long trọng công bố này của sứ thần cho các mục đồng trong đêm Giáng sinh của hơn 2000 năm trước có còn là lời công bố tin vui cho chúng ta ngày nay hay nó chỉ từng tồn tại trong lịch sử? Đồng thời, niềm vui này có là lời thúc bách cho chúng ta ngày nay để chia sẻ nó với mọi người?

Thật không dễ dàng khi chúng ta mừng lễ Giáng sinh vào dịp sắp kết thúc một năm. Nhìn lại một năm qua chắc chắn chúng ta không cảm thấy vui, nhất là không vui cho toàn dân. Quá nhiều điều không vui đã xảy ra vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta ngày hôm nay. Cơn đại dịch đã và đang còn đè nặng trên cuộc sống của chúng ta. Không ngờ con virus nhỏ bé đã có thể gây ra quá nhiều tang thương cho nhân loại. Năm nay, thêm lần nữa, chúng ta lại phải chịu những giới hạn trong việc mừng lễ từ phạm gia đình cho đến Giáo hội và xã hội. Chiến tranh, nghèo đói và thiên tai vẫn đang xảy ra nhiều nơi. Thật khó tin rằng ở ngay nước Đức này trong năm nay lũ lụt kinh hoàng cũng đã xảy ra làm nhiều người chết và cuốn trôi nhiều thứ do hậu quả của cuộc biến đổi khí hậu. Nhiều khó khăn và biến cố đau buồn khác đã tác động đến đời sống cá nhân cũng như trên bình diện thế giới.

Trong hoàn cảnh đó, đêm nay chúng ta một lần nữa nghe lại lời công bố tin vui của sứ thần và tin vui ấy cần được chia sẻ với toàn dân. Trong những khó khăn đã và chắc chắn đang còn xảy tới, chúng ta được mời gọi đừng quên những điều tốt đẹp mà chúng ta đã làm cho nhau giữa cơn hoạn nạn. Biết bao nhiêu nhân viên y tế và các tình nguyện viên đã làm việc quên cả mệt nhọc cho tới nay để chống lại đại dịch. Biết bao người đã luôn nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy tắc để giúp đỡ lẫn nhau. Ngay cả việc chúng ta được chích ngừa, đó cũng là việc thiết lập dấu hiệu của lòng bác ái và đoàn kết bởi nó không chỉ đem lại cho chính mình sự bảo đảm mà còn để bảo vệ những người chung quanh chúng ta. Việc chúng ta hỗ trợ những nạn nhân của lũ lụt, chiến tranh và nghèo đói cũng cho thấy sự liên đới của chúng ta dành cho nhau trong cuộc sống.

Biến cố Giáng sinh tại Bêlem cũng sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu đây không phải là khởi đầu cho một chương trình mà Thiên Chúa hoạch định để thay đổi thế giới. Chương trình này bắt đầu với lời loan báo của sứ thần, thông qua những mục đồng đến tất cả những người mang thông điệp này cho thế giới và tiếp nhận nó, thực hiện nó trong cuộc sống hằng ngày của họ. Đó không phải là một niềm vui thực sự cần được chia sẻ cho tất cả mọi người hay sao? Nơi nào sự bình an và niềm vui của Thiên Chúa chạm đến tâm hồn con người, ở đó ánh sáng của Bêlem tiếp tục lan tỏa và thay đổi thế giới. Thiên Chúa đang tìm kiếm và mời gọi những người sẽ tiếp tục mang thông điệp của Ngài , bình an của Ngài vào thế giới này. Khi chúng ta tổ chức mừng lễ Giáng sinh theo cách này, chúng ta mở ra một con đường cho Chúa vào thế giới của chúng ta, khi đó bình an và niềm vui có thể tiếp tục được nảy sinh.

Trong vai trò linh mục Tuyên úy của Gia đình Liên Giáo Phận, tôi xin kính chúc Hội đồng Mục vụ, quý Ban ngành, quý Ông Bà Anh Chị Em, các Cháu cùng toàn thể gia quyến một mùa Giáng sinh an lành và nhiều phúc lộc của Chúa suốt mọi ngày trong Năm mới 2022.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG


Kính thưa cộng đoàn,

Ngọn nến thứ tư của Mùa Vọng được thắp lên báo hiệu thời gian mừng Đại lễ Giáng sinh đã gần kề.

Trong những ngày cuối của Mùa Vọng, Hội thánh cho chúng ta chiêm ngắm gương mặt nổi bật của Đức Maria, người đã được tuyển chọn để hạ sinh Đấng Cứu Thế cho nhân loại.

Điều đặc biệt nơi người nữ tì hèn mọn Maria chính là thái độ của Mẹ trước công trình cứu độ của Thiên Chúa đang diễn ra một cách khác thường. Với lời sứ thần truyền tin, Mẹ Maria đã trả lời: „Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi XIN VÂNG như lời sứ thần truyền“. Một lời XIN VÂNG có tính cách phó thác, dấn thân vào một công trình đầy những điều mới lạ, vượt trên mọi dự đoán. Một lời XIN VÂNG đầy tin tưởng bởi vì Mẹ Maria đã đón nhận Con Thiên Chúa làm người trong lòng tin trước khi đón nhận Ngài nơi cung lòng của mình. Niềm vui lớn lao Mẹ đón nhận được từ Thiên Chúa, Mẹ đã không giữ lại cho riêng mình mà vội vã lên đường để đến chia sẻ với người chị họ Elisabet mà thánh Luca trình thuật trong Tin mừng Chúa nhật này.

Trong cuộc gặp gỡ với Mẹ Maria, bà Elisabet đã bày tỏ niềm vui của bà khi được mẹ Thiên Chúa viếng thăm đến nỗi „Khi tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì sung sướng“. Đây là cuộc gặp gỡ với niềm vui tràn trào nhưng cũng chan chứa một niềm tin vững mạnh bởi bà Elisabet cũng các tín rằng bà đã gặp được Đấng Cứu Thế mà Đức Maria đang cưu mang trong cung lòng của Mẹ.

Thật tuyệt vời nếu chúng ta cũng cảm nhận được những niềm vui khi tiếp xúc với lời Chúa và Thánh Thể; niềm vui khi có thể mở rộng đôi tay và con tim chia sẻ với tha nhân chung sống quanh mình; niềm vui khi dấn thân lên đường cho sứ vụ của người Kitô hữu trong từng tư cách. Đó cũng là niềm vui trong Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Kính chúc Anh Chị Em có được cảm xúc của niềm vui này trong những ngày cuối cùng trước lễ Giáng sinh.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 

????️????️????️????️

 

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – CHÚA NHẬT HỒNG

Kính thưa Anh Chị Em,

Trong Năm Phụng vụ có 2 Chúa nhật được nhấn mạnh cách đặc biệt về niềm vui hay còn được gọi là Chúa nhật hồng đó là Chúa nhật III Mùa Vọng (Gaudete) và Chúa nhật IV Mùa Chay (Laetare).

Các bài đọc lời Chúa trong Chúa nhật này đều mang âm hưởng của một niềm vui sâu xa. Bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Sôphônia nhắc đi nhắc lại: “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Sion, con cái Israel hãy nức lòng phấn khởi” (Sop 3, 14). Nền tảng của lời kêu gọi hãy vui lên mà ngôn sứ nhấn mạnh là vì Thiên Chúa sẽ thực hiện ơn cứu độ, đồng thời chính Ngài cũng sẽ vui mừng khi ở giữa dân và thể hiện lòng thương xót cho dân. Đức Chúa là căn nguyên của niềm vui và Ngài cũng cảm nhận niềm vui thực sự nơi chính Ngài.

Tiếp đến, thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai cũng đưa ra cho chúng ta những lời động viên an ủi chan chứa niềm vui và tràn trề hy vọng: “Anh chị em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa… Anh chị em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh chị em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh chị em thỉnh nguyện” (x.Phil 4,4-7).

Để có được niềm vui, chúng ta được mời gọi quy hướng trọn vẹn về Chúa. Niềm vui và sự bình an chân thật không đến từ những ồn ào náo nhiệt bên ngoài của ngày lễ Giáng sinh, nhưng niềm vui phát xuất từ sâu tận bên trong tâm hồn. Để có được niềm vui thực sự, chúng ta cũng phải tự hỏi giống dân Do thái ngày xưa khi nghe Gioan Tẩy giả rao giảng: “Thưa ông, chúng tôi phải làm gì?”. Câu trả lời của Gioan trong Tin mừng Chúa nhật này cũng là sứ điệp Giáo hội muốn nhắn gửi đến chúng ta: “Ai có hai áo hãy chia cho người không có…. Đừng đòi hỏi quá mức đã ấn định … Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người khác, hãy bằng lòng với đồng lương của mình” (Lc 3, 10-14). Thánh Gioan Tẩy giả muốn khuyên nhủ dân chúng điều này: hãy thành tâm chỉnh sửa lối sống, thực thi công bằng và sống bác ái đối với nhau. Tha nhân cũng chính là hình ảnh và dung mạo của Đức Kitô. Vì vậy, con đường đến với Chúa và con đường đến với tha nhân cũng chỉ là một nên Đức Giêsu từng nói: “Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta trần trụi các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu hay ở tù các ngươi đã thăm nom” (Mt 25, 40).

Trước lễ Giáng sinh, chúng ta vẫn thường gửi những cánh thiệp để chúc nhau một mùa Noel vui tươi và an bình. Trong đêm Giáng sinh theo truyền thống Tây phương, chúng ta vẫn thường tặng cho nhau những món quà diễn tả tình thân và niềm vui. Niềm vui và sự bình an đó chỉ có thể đạt được khi chúng ta biết giao hòa thực sự với Chúa và với nhau, khi chúng ta dám bỏ qua hết những oán giận hờn căm và hố sâu ngăn cách.

Hơn hai ngàn năm trước, Đức Giêsu đã đi sâu vào phận người để công bố cho chúng ta một tin vui, đó là tin Thiên Chúa yêu thương con người. Tin vui này khởi đầu từ máng cỏ Belem và đạt đến đỉnh điểm khi Ngài bị treo thân trên Thập giá. Chớ gì chúng ta cảm nhận được niềm vui thánh thiện trong dịp lễ Giáng sinh sắp tới cũng như trong suốt cuộc lữ hành đức tin của chúng ta.

Kính chúc Anh Chị Em tuần thứ III Mùa Vọng nhiều Vui mừng và Hy vọng.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

????️????️????️

 

 
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG
 
Kính thưa Anh Chị Em,

Khi ngọn nến thứ 2 được thắp sáng, chúng ta gặp lại một nhân vật rất đỗi thân quen, không thể thiếu vắng giữa khung trời Mùa Vọng: Thánh Gioan Tẩy giả. Khi thánh nhân đi khắp miền sông Giođan rao giảng phép rửa sám hối, cầu ơn tha tội, thì đồng thời ngài cũng dùng lời trong sách ngôn sứ Isaia để kêu gọi: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Những lời này thật rất đỗi quen thuộc với mỗi chúng ta. Thế nhưng hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: Đường nào là của Chúa? Đường nào cần sửa và tại sao phải sửa đường? Thật ra, Thiên Chúa đâu cần chúng ta sửa đường cho Ngài, bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng. Thế nhưng, chính chúng ta mới cần sửa lại những con đường quanh co, gồ ghề và hố sâu nơi trong tâm hồn của mỗi người.

Trở về với bối cảnh lúc Gioan Tẩy giả rao giảng, dân Do thái phải sống nô lệ, lầm than khốn khổ bởi các vua chúa quan quyền. Vậy nên, lời rao giảng và kêu gọi cấp thiết của Gioan Tẩy giả không chỉ dành cho những dân Do thái đang sống trong cảnh khốn khổ đó mà còn cho các vua chúa quan quyền hãy sửa lại lối sống của họ: một lối sống kiêu căng, độc tài, gian ác của họ trên dân chúng. Cách nói đầy hình tượng của Thánh Kinh thật đơn sơ dễ hiểu: Công việc dọn đường cho Chúa của chúng ta là chấn chỉnh đời sống, là điều chỉnh tư tưởng, lời nói, việc làm của mình.

Điểm khác biệt rất lớn giữa hoàn cảnh sống thời Gioan Tẩy giả và chúng ta ngày nay: Gioan thì sống trong hoang địa đơn sơ, nghèo nàn, đói khát, lam lũ. Con đường thì đồi núi, gồ ghề, sỏi đá. Trái lại, ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới có đầy đủ phương tiện vật chất. Con đường thì bằng phẳng, rộng thênh thang, nhưng lòng người thì dường như càng hẹp lại. Con đường đến nhà thờ thì không xa và phương tiện thì thuận lợi nhưng lòng người thì ngại ngùng và không muốn đến. Cho nên, Lời Chúa của Chúa nhật này không phải là dọn đường cho Chúa đến ở đâu xa xôi, mà là ngay chính nơi cõi lòng mỗi người chúng ta đang còn có những khúc quanh của bóng tối và tội lỗi giăng đầy.

Mùa vọng là thời gian cho ta sửa lại con đường của tâm hồn đang còn thiếu vắng Thiên Chúa, thiếu vắng lòng khoan dung, thiếu vắng yêu thương và tha thứ cho nhau. Những hố sâu của hận thù, ghen ghét và dục vọng thấp hèn đang dằn xé cõi lòng. Đó cũng là cách dọn đường để Đấng Cứu Thế một lần nữa được sinh ra nơi tâm hồn chúng ta. Thật có lý khi thi sĩ Angelus Silesius của Đức từng viết: „Chúa có Giáng sinh ra cả ngàn lần ở Belem cũng vô ích cho bạn nếu Ngài không sinh ra được ở trong tâm hồn của bạn”.

Kính chúc Quý Ông Bà và Anh Chị Em tuần thứ II của Mùa Vọng thật tốt lành trong tình thương của Chúa.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
 
????️????️
 
 
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C

Anh Chị Em thân mến,

Một Mùa Vọng nữa lại đến. Đối với những Kitô hữu chúng ta, Mùa Vọng đánh dấu một sự khởi đầu: sự khởi đầu của Năm Phụng vụ mới.

Trong Tin mừng của Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng này, Chúa Giêsu nói đến cánh chung của nhân loại và việc Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét mọi người. Đồng thời, Người đã ân cần nhắc nhở chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho ngày cánh chung ấy. Những gì Chúa dạy chúng ta phải chuẩn bị cho ngày tận thế là cánh chung của vũ trụ và nhân loại, cũng là những gì chúng ta phải chuẩn bị cho ngày cánh chung của riêng mình: ngày chết của chúng ta, ngày chúng ta từ giã cõi đời này để bước vào cõi vĩnh hằng.

Như vậy, sống Mùa Vọng không những là hy vọng và chờ đợi Chúa đến, mà còn sẵn sàng nhận ra sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta, dù không trông thấy những dấu lạ lùng nơi mặt trời, mặt trăng và các tinh tú. Sống Mùa Vọng là hy vọng rằng Thiên Chúa luôn luôn được tỏ hiện trong đời chúng ta, không phải chỉ vào ngày tận thế, hoặc vào ngày phán xét cuối cùng, nhưng ngay hôm nay. Những điều này đòi hỏi chúng ta phải biết đọc những dấu chỉ của Chúa nơi bản thân và xung quanh chúng ta.

Mùa vọng là thời gian chúng ta đi tìm kiếm Thiên Chúa và mong đợi Ngài đến. Nhưng trời mới, đất mới của ngày mai đang bắt đầu với cuộc sống hiện sinh của chúng ta tại đây và ngay bây giờ. Lời dạy của thánh Phaolô trong bài đọc 2 của Chúa nhật này là một chỉ dẫn cho chúng ta: “Hãy sống thánh thiện, không gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa là Chúa chúng ta trong ngày Đức Giêsu quang lâm cùng với các thánh của Người” (1Tx 3, 13).

Kính chúc Anh Chị Em bắt đầu Mùa Vọng và Năm Phụng Vụ mới tràn đầy ân sủng, niềm vui và hy vọng.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

????️

 

Chúa nhật I Mùa Chay năm B

NQ SVD 03.jpg

 

 

 

 


Anh Chị Em thân mến,

Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội đã chính thức khai mạc bốn mươi ngày Mùa Chay Thánh. Đây là thời gian của ân sủng mà chúng ta được Giáo hội ban tặng qua chu kỳ lặp đi lặp lại trong Năm Phụng vụ. Trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi cách đặc biệt để suy tư, sống chậm lại và kết hợp mật thiết hơn với Đức Kitô – Đấng là lý tưởng và cùng đích của chúng ta.

Mùa chay đụng chạm vào một góc cạnh nào đó trong tâm hồn của tất cả chúng ta. Hình ảnh Chúa Giêsu ăn chay và cầu nguyện trong sa mạc gây xúc động cho chúng ta. Nhưng cũng bắt chúng ta phải nhìn vào cuộc sống của mình. Mùa chay thách đố chúng ta cải thiện con người mình.

Bài Tin mừng của Chúa nhật này, thánh Mác-cô trình bày cho chúng ta về việc Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ. Ma qủy đã tìm cách lôi kéo Chúa Giêsu quay lưng lại với Chúa Cha. Từ khước sống vâng phục thánh ý Chúa để được thoả mãn nhu cầu thực tế trước mắt. Đồng thời, nó gợi mở cho Chúa một tương lai đầy hứa hẹn.

Trong vườn địa đàng năm xưa, ma quỷ đã thành công khi cám dỗ ông bà nguyên tổ. Còn hôm nay, nó đã thất bại trước Đức Giêsu - Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, những chiêu thức cám dỗ mà ma quỷ đã thất bại với Chúa Giêsu, hôm nay nó vẫn tiếp tục dùng để tấn công con người. Nó không ngừng gieo vào lòng ta mối nghi ngờ Thiên Chúa, về lòng thương xót và sự quan phòng của Ngài đối với thụ tạo. Nó mở ra cho chúng ta một sự so sánh, tính toán thiệt hơn để cuối cùng nhiều người đã sa vào cạm bẫy của nó.

Chúa Giêsu đã chiến thắng các cơn cám dỗ bởi Ngài có sức mạnh từ sự liên kết và đứng về phía Thiên Chúa. Chúng ta hãy tiếp tục sử dụng thời gian ân sủng của Mùa Chay mà Giáo hội mời gọi để trở về với lòng mình, sám hối và quyết tâm can đảm đứng về phía Thiên Chúa, sống lại mối tình mà Thiên Chúa yêu thương dành cho chúng ta. Đồng thời, xin cho chúng ta cũng biết mạnh dạn đến với tha nhân bằng một con tim và đôi tay rộng mở.

Kính chúc Anh Chị Em một tuần mới nhiều ơn lành.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 

Anh Chị Em thân mến,
Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội chính thức bước và Mùa Chay Thánh. Đây là khoảng thời gian đặc biệt, là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng để mừng lễ Phục sinh. Mùa Chay được lặp lại mỗi năm nhưng thiết tưởng cũng nên nhắc lại đôi nét chính yếu về giáo luật cũng như tinh thần của chay tịnh đối với Kitô hữu chúng ta.

Tuổi buộc phải giữ chay theo giáo luật dành cho những ai từ 18 tuổi trọn đến 60 tuổi. Những ai từ 14 tuổi trọn phải kiêng thịt.

Thế nhưng, chúng ta cần ăn chay và kiêng thịt thế nào đây?
Ăn chay: là hình thức đền tội của Cựu Ước và Tân Ước. Chúa Giêsu giữ chay 40 đêm ngày để làm gương cho các tín hữu. Trong Giáo hội Công giáo, ăn chay là những thực hành khổ chế, hy sinh hãm mình, tiết chế để kết hiệp cuộc sống mình vào mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô. Chính vì thế, việc chay tịnh phải được liên kết với thập giá Chúa. Điều này đồng nghĩa phải có hy sinh để theo Chúa trên con đường vác thập giá.
Kiêng thịt: đây là môt hình thức thể hiện sự cắt giảm chi tiêu, ăn uống như một hy sinh để làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo khó.

Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn và đi đến tột đỉnh của tình yêu hy hiến qua cái chết trên thập giá để sinh ơn cứu độ cho nhân loại. Cũng thế, việc ăn chay kiêng thịt sẽ giúp các tín hữu Công giáo khả năng từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày theo Chúa để mang lại lợi ích cho mình và tha nhân.

Nhiều người trong chúng ta từng có sai lầm giản hóa sự ăn chay vào việc miễn sao đừng ăn thịt, còn lại ăn gì cũng được. Vì thế, những ngày ăn chay, thay vì ăn thịt thì ăn đủ loại hải sản đắt tiền như cua, mực, cá, tôm hùm.v.v.

Trong việc chay tịnh, Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta: “Hãy xé lòng, đừng xé áo”. Đôi khi chúng ta quá chú trọng tới hình thức của sự ăn uống: ăn gì, ăn ra sao, bữa nào được ăn no, bữa nào ăn ít, được uống cà phê, hút thuốc lúc nào mà quên điều chính yếu là tâm tình hoán cải canh tân cuộc sống.

Ăn chay mà lòng dung dưỡng những hận thù ghen ghét, tính toán những kế hoạch bất lương và hành động những việc lỗi công bằng, thiếu bác ái.
Đơn cử câu chuyện xảy ra vào một đêm đông: gã thanh niên nọ chặn một linh mục giữa đường để đòi cướp. Vị linh mục nói: tôi phải đi xức dầu cho người hấp hối. Vì đi vội, tôi không kịp mang theo ví tiền. Trời lạnh quá, tôi chỉ kịp cầm theo gói thuốc đang còn vài điếu. Mời anh hút tạm điếu thuốc cho ấm giữa trời đông. Gã thanh niên trả lời: hôm nay Thứ Tư Lễ Tro, tôi ăn chay nên không hút thuốc!!!

Ăn chay đích thực là “xé lòng chứ đừng xé áo”, là trở về với Thiên Chúa, là canh tân đời sống, là chia cơm sẻ bánh cho người túng thiếu.

Với tâm tình và ý nghĩa đó, trong chiều kích liên đới với tha nhân, từ đầu Mùa Chay, con xin mời gọi mỗi gia đình Công giáo chúng ta nên nuôi một “chú heo đất”. Một chút nhỏ bé hy sinh tiết kiệm trong chi tiêu mỗi ngày và tổng kết nó sau 40 ngày của Mùa Chay. Đừng quên giải thích ý nghĩa việc làm này trong các gia đình có các con, cháu nhỏ để khơi lên ý thức về sự sẻ chia. Ước mong sau đó sẽ có những viên gạch, bao xi-măng được gom lại và những ngôi nhà tình thương được tiếp tục xây lên cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có chỗ che nắng che mưa. Những nồi cháo tình thương cũng tiếp tục được duy trì để các bệnh nhân nghèo có được những bữa lót dạ khi đến nhà thương điều trị.v.v. hoặc tự chúng ta có thể gởi đến giúp đỡ những nơi cần thiết nào đó.

Kính chúc toàn thể Anh Chị Em một Mùa Chay Thánh nhiều ơn sủng của Chúa.

Phêrô Nguyễn Quân, SVD

Giữa lúc phương Tây chúng ta đã bước sang năm 2021 hơn một tháng thì ở nhiều nước Á Đông, trong đó có quê mẹ Việt Nam đang „chạy nước rút“ cho những ngày cuối năm âm lịch và đang cảnh giác cao độ trong trận chiến COVID tái bùng phát. Dịch COVID đang tạo nên làn sóng xôn xao quê nhà bởi sau vài tháng yên lặng vì không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Trong khi đó, trời Tây bên này từ đầu mùa dịch (tức cả năm nay) vẫn chưa có được những ngày bình yên. Số ca nhiễm không giảm. Số người chết vẫn tăng. Nhiều lần giãn cách xã hội trong đó cuộc giãn cách từ đầu tháng 11.2020 đến nay vẫn chưa được nới lỏng. Trường học vẫn đóng cửa. Nhà thờ vẫn rất hạn chế số người tham dự Thánh lễ. Khách sạn, nhà hàng, các cửa tiệm phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt vẫn đang còn „cửa đóng then cài“ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống.

Thế nhưng, từ góc nhìn khác, thời gian đại dịch cũng là thời gian của ân sủng. Khi giãn cách xã hội, có gia đình đã dành trọn số tiền thay vì tặng quà cho nhau (một truyền thống tốt đẹp của các gia đình phương Tây trong đêm Giáng sinh) để trao tặng các trẻ em nghèo. Khi giãn cách xã hội, một bữa tiệc sinh nhật lần thứ 80 của một người mẹ, người bà không được phép tổ chức, dù vậy, bà vẫn nhận tiền quà từ con cháu để gom lại cả đến vài ngàn euro gởi đến Quỹ Thiện Nguyện. Khi giãn cách xã hội, một số cháu thiếu nhi đã trích từ số tiền được chính phủ hỗ trợ học sinh để chia sẻ chút quà Tết đến các bạn cùng trang lứa nơi quê nhà.v.v. và nhiều sự chia sẻ khác. Bên cạnh đó, cơn đại dịch còn kéo lên hồi chuông cảnh tỉnh thế giới về ảo tưởng bất khả xâm phạm của mình. Con virus nhỏ bé đã bóc trần sự mong manh, dễ vỡ và dễ bị tổn thương của con người trên bình diện cá nhân hay gia đình nhân loại. Nó cho thấy hơn lúc nào hết, chúng ta cần biết mình là ai trước Thiên Chúa, với thiên nhiên vũ trụ và với nhau?

Những hình ảnh dưới đây được ghi lại trong chuyến trao quà Tết (trích từ Quỹ Thiện Nguyện) hôm Chúa nhật, 07.02 vừa qua tại Giáo xứ Buôn Hằng – Ban Mê Thuột, một giáo xứ toàn người đồng bào dân tộc thiểu số. Một số địa điểm khác cũng đang được quý cha xứ và các cộng tác viên gấp rút thực hiện để những gia đình nghèo có thêm chút quà đón Xuân. Đây là kết quả do quý Ông Bà, Anh Chị Em và các Cháu đã chung lòng và chung tay. Nhờ sự sẻ chia này, chúng ta vẫn duy trì sự hỗ trợ thường xuyên đến các viện trẻ mồ côi, nhà tình thương, cơ cở chăm sóc người già neo đơn, nồi cháo tình thương cũng như các căn nhà tình thương vẫn tiếp tục được xây dựng và trao tặng để những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có chỗ che nắng che mưa.

„Chẳng ai nghèo đến mức không có gì để cho và cũng không ai giàu đến mức không còn thấy cần phải nhận“.

Nhìn hình ảnh một xứ đạo với hơn chục ngàn giáo dân người đồng bào thiểu số và trong một Thánh lễ có đến gần bốn ngàn em thiếu nhi tham dự, chúng ta không quên hình ảnh đám đông đến với Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng. Chiều đến, khi họ đã mệt và đói khát, các môn đệ xin Chúa giải tán đám đông thì Ngài bảo họ: „Chính anh em hãy cho họ ăn“ (Mt 14.16). Từ năm chiếc bánh và hai con cá góp được tại chỗ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho đám đông năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ ăn no và còn dư mười hai giỏ đầy.
„Chính anh em hãy cho họ ăn“. Lệnh truyền đó hôm nay Chúa cũng đang nói với mỗi chúng ta. Ngay cả trong hoàn cảnh của quê nhà khi Tết đến, Xuân về. Dù cho nhiều nơi đang thấp thỏm lo âu trong việc đối phó với dịch bệnh nhưng không phải mọi vùng đều ảnh hưởng như nhau. Ngày Tết đoàn tụ trong yêu thương nhưng không phải gia cảnh nào cũng có được sự no đủ. Cái cảnh „kẻ ăn không hết, người lần không ra“ đâu đó vẫn tồn tại. Chúng ta có nghe được lời của Chúa Giêsu „Chính anh em hãy cho họ ăn“ đi từ con tim đến đôi bàn tay của mình? Những chút quà mọn chưa chắc làm nguôi cơn đói. Những đồng tiền dành dụm chia sẻ càng không thể làm ai bớt nghèo nhưng ý nghĩa của nó thì không ai phủ nhận: biết quan tâm và nghĩ đến nhau. Dù mỗi người chỉ góp một chút nhỏ bé như năm chiếc bánh và hai con cá trước một đám đông khổng lồ trong buổi chiều tàn của hơn hai ngàn năm trước thì phép lạ hôm nay vẫn tiếp tục được diễn ra: người ta được ăn no nê và vẫn còn dư thừa. Khi đó, quanh năm chỉ có một mùa: Xuân yêu thương, hạnh phúc và no đủ!

Xin tri ân tấm lòng quảng đại của quý Ông Bà, Anh Chị Em và các Cháu. Xin Cám ơn quý cha, quý tu sĩ và những cộng tác viên đã dành thời gian để chuyển tiếp sự chia sẻ của chúng con đến những người cần đón nhận.

Nguyện xin Chúa Xuân ban tràn đầy phúc lộc của Ngài trên tất cả chúng ta.

Neuenkirchen, 09.02.2021 (28 Tết)

Lm. P. Nguyễn Quân, SVD

X 01 X 02 X 03 X 04 X 05 X 06 X 07 X 08 X 09

 


Anh Chị Em thân mến,
Đau khổ là đề tài muôn thuở của kiếp người. Trong bài đọc thứ nhất của Chúa nhật này, ông Gióp than thở: "Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê? Gia tài của tôi là những tháng ngày vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề." (G 7,1-3). Có thể nói: Bệnh tật làm cho con người đau khổ về cả thể xác lẫn tinh thần. Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái cho rằng bệnh tật của con người là do tội lỗi của họ, bệnh tật là do bị Thiên Chúa phạt. Do đó, những người mắc bệnh thường bị cách ly, họ bị cộng đoàn tránh xa và ruồng bỏ. Họ đau về thể xác rồi nhưng còn phải khổ hơn về tinh thần vì phải đối diện với quan niệm này.

Chúa Giêsu đến trần gian với sứ mạng mang hạnh phúc đến cho con người. Bên cạnh việc rao giảng Tin mừng, Ngài còn chữa bệnh và cứu sống cho con người. Ngài đã phá tan những bệnh tật ngăn cách con người với Thiên Chúa và với nhau để giúp cho con người sống hạnh phúc. Tin mừng của Chúa nhật này ghi lại việc Ngài đã chữa khỏi cơn sốt cho bà mẹ vợ ông Simon. Ngài đem lại hạnh phúc cho bà và cho những người chứng kiến. Bởi vì Ngài có quyền năng trên bệnh tật và sự chết. Lúc chiều, Ngài còn chữa lành những người tìm đến. Ngài chính là nguồn vui, là niềm hạnh phúc của nhân loại.

Có thể ai đó sẽ đặt câu hỏi: Vậy tại sao Thiên Chúa không cất khỏi thế giới cơn đại dịch đã kéo dài cả năm nay khiến nhiều người mắc bệnh, bị chết và đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng? Tại sao đời sống con người vẫn còn đó nhiều đau khổ?

Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh nhân trong Tin mừng hôm nay hay những lúc chữa lành khác trong cuộc đời rao giảng của Ngài chính là những phép lạ để củng cố lòng tin cho dân chúng. Chúa không phải lúc nào cũng dùng quyền năng để cất đi đau khổ nơi con người mà Ngài còn dùng phương thế khác: ban ân sủng để con người đủ sức bước đi trong khổ đau. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tên của Ngài vẫn là Emmanuel, nghĩa là „Thiên Chúa ở cùng chúng ta“.

Thiên Chúa không yêu thương chúng ta bằng cách từ trên cao nhìn xuống. Chúa không không cứu chuộc con người bằng cách từ trời vớt chúng ta lên. Thiên Chúa ở cùng. Trong mầu nhiệm này, chúng ta bắt gặp một tình yêu lớn lao khi Chúa sử dụng quyền năng. Ngài không cắt nghĩa tình yêu bằng cách lấy quyền năng của mình để hóa giải hết khổ đau cho nhân thế. Chúa đã phải đau nỗi khổ đau của con người chúng ta, khi đó tình yêu mới thật sự được cắt nghĩa. Trên thập giá, tên trộm bị đóng đinh cùng đã thách thức quyền năng Chúa Giêsu: „Nếu ông thật là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá để cứu mình và cứu chúng tôi nữa“. Đức Kitô không thể xuống khỏi thập giá bằng quyền năng. Ngài không thể bỏ đường đi đau khổ của con người như chúng ta. Ngài phải ở cùng. Và, trong cái ở cùng đó, có cái chết. Ngài không dùng quyền năng tránh né cái chết. Nếu Đức Kitô xuống khỏi thập giá, nếu Ngài không chết, làm sao chúng ta biết được tình yêu của Ngài dành cho nhân loại? Cái chết không cho thấy vì Đức Kitô thiếu sức mạnh, nhưng chính vì có sức mạnh nên Ngài mới có thể chết. Do đó, bao lâu còn đối diện với đau khổ, chúng ta đừng quên rằng Chúa vẫn ban ân sủng của Ngài và bước đi cùng chúng ta như Ngài đã hứa „ơn Ta đủ cho con“.

Qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu đã mặc cho đau khổ của con người ý nghĩa tích cực: đau khổ không phải là hình phạt. Ngài khai sáng cho ta con đường mới: trong đau khổ người ta có thể kết hợp mật thiết với Chúa, gia tăng lòng tin và trông chờ vào Đấng có quyền năng giải thoát.

Hôm nay chúng ta nhận ra ân huệ Chúa Giêsu đem đến cho con người. Ngài rao giảng Tin mừng và chữa lành. Ngài giúp chúng ta xác tín rằng dù con người có phải vất vả đối điện với đau khổ và bệnh tật nhưng con người vẫn có Thiên Chúa hằng quan tâm chăm sóc và chữa lành. Nhất là chúng vẫn luôn có Thiên Chúa ở cùng để ban ơn nâng đỡ. Ước mong mỗi chúng ta hãy là những cánh tay nối dài của Chúa Giêsu để có thể xoa dịu phần nào nỗi khổ đau của nhân loại và mang lại niềm vui cho mọi người, khởi đi từ những người gần gũi chung quanh chúng ta.

Mến chúc Anh Chị Em một tuần mới tốt lành hòa cùng niềm vui với quê mẹ trong những ngày Xuân Tân Sửu.

Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

 

Wir nutzen Cookies auf unserer Website. Einige von ihnen sind essenziell für den Betrieb der Seite, während andere uns helfen, diese Website und die Nutzererfahrung zu verbessern (Tracking Cookies). Sie können selbst entscheiden, ob Sie die Cookies zulassen möchten. Bitte beachten Sie, dass bei einer Ablehnung womöglich nicht mehr alle Funktionalitäten der Seite zur Verfügung stehen.