Offcanvas Section

You can publish whatever you want in the Offcanvas Section. It can be any module or particle.

By default, the available module positions are offcanvas-a and offcanvas-b but you can add as many module positions as you want from the Layout Manager.

You can also add the hidden-phone module class suffix to your modules so they do not appear in the Offcanvas Section when the site is loaded on a mobile device.

BÀI ĐỌC I: Cv 7, 51-59 (Hl 7, 51 - 8, 1)

"Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, Têphanô nói với dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ rằng: "Hỡi những tên cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì kia, các ngươi luôn luôn chống đối Thánh Thần; cha ông các ngươi làm sao, các ngươi cũng vậy. Có tiên tri nào mà cha ông các ngươi lại không bắt bớ? Họ đã giết những người tiên báo về việc Đấng Công chính sẽ đến, Đấng mà ngày nay các ngươi đã nộp và giết chết; các ngươi đã lãnh nhận lề luật do thiên thần truyền cho, nhưng đã không tuân giữ".

Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiến răng phản đối ông. Nhưng Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: "Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa". Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng đã để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolô. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con". Thế rồi ông quỳ xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: "Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này". Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa. Còn Saolô thì đã tán thành việc giết ông (Têphanô).

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 30, 3cd-4. 6ab và 7b và 8a. 17 và 21ab

Đáp: Lạy Chúa, con phó thác tâm hồn trong tay Chúa (c. 6a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ con, bởi Chúa là Tảng đá, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. - Đáp.

2) Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. Còn phần con, con tin cậy ở Chúa, con sẽ hân hoan mừng rỡ vì đức từ bi của Chúa. - Đáp.

3) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Chúa che chở họ dưới bóng long nhan Ngài, cho khỏi người ta âm mưu làm hại. - Đáp.

 

ALLELUIA: Ga 16, 7 và 13

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến cùng các con; Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật". - Alleluia.

 

PHÚC ÂM: Ga 6, 30-35

"Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đáp: "Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian". Họ liền thưa với Ngài rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".

Đó là lời Chúa.

 

TẤT CẢ VÌ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Đức Giê-su nói: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)

Suy niệm: Một quan chức – miễn nêu tên – trong một chuyến công cán nước ngoài tuyên bố rằng dân ta chỉ cần ăn no cái bụng, còn những giá trị tinh thần thì không cần thiết, nếu không nói là đồ xa xỉ. Nói thế có nghĩa là phải xây cái “hạ tầng cơ sở” là những nhu cầu vật chất vững chắc đã, rồi mới “leo” lên những bậc thang giá trị cao hơn. Thế nhưng theo bà Natulla, một nhà nghiên cứu xã hội học, thì người ta có thể “đạt tới những nhu cầu cấp cao hơn” ngay cả khi những nhu cầu cấp thấp chưa được đáp ứng đầy đủ. Nhận định đó mở đường cho chúng ta đón nhận lời Chúa. Theo tính tự nhiên, người ta phải thoả mãn nhu cầu cơm bánh: muốn có một thứ lương thực ăn vào sẽ không phải đói, không phải khát nữa. Chúa Giêsu cho biết tìm kiếm lương thục trường sinh là nhu cầu tối thượng, vượt trên cả nhu cầu về cơm bánh. Và Ngài là thứ bánh trường sinh đó.

Mời Bạn: Cha ông chúng ta có nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm.” Phải dám khước từ cả tiền lẫn quyền để giữ cho được cái “sạch,” cái “thơm” xứng đáng với phẩm giá con người. Cũng thế phải dám hy sinh những nhu cầu cấp thấp nếu chúng cản trở không cho chúng ta đạt được nhu cầu tối thượng là sự sống đời đời. Phải chăng lắm khi chúng ta vì nặng về miếng cơm manh áo mà đóng cửa lòng mình, không dám chia sẻ với những người bất hạnh, hoặc tệ hơn nữa, làm điều gian dối, bất công cho anh chị em mình?

Sống Lời Chúa: Suy niệm mầu nhiệm Chúa phục sinh và xin ơn sống sao cho đạt được sự sống đời đời.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.

 

 

Truyền Giáo

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: "Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại... Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?"

Câu hỏi ấy như một luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. "Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?". Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm... Mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.

Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.

Ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi Giáo.

Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện một mình giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao?

Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.

Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện... Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội... Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho Chúa.

Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền giáo hùng hồn giao rảng như các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.

Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người truyền giáo mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình... vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.

Trích sách Lẽ Sống

http://thanhlinh.net