
Lễ Chúa Thăng Thiên
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên – ngày Chúa được rước lên trời trong vinh quang, trở về cùng Chúa Cha sau khi hoàn tất sứ mạng cứu độ trần gian.
Trước khi được cất lên, Chúa Giêsu phán: “Anh em sẽ nhận được quyền năng khi Thánh Thần ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8). Đây không chỉ là một lời nhắn nhủ, mà là một sự trao phó: Chúa giao lại sứ mạng của mình cho các Tông Đồ. Từ nay, các ngài phải sống, loan báo và làm chứng cho Tin Mừng – như những người con trưởng thành mang lấy trách nhiệm. Là những Kitô hữu, chúng ta cũng mang lấy sự trao phó này của Chúa Giêsu. Và cũng trong Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể rằng: “Chúa Giêsu được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây bao phủ lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” (Cv 1,9)
Chúa Giêsu lên trời, không phải là để rút lui, hay để xa lìa nhân loại, nhưng là để bắt đầu một cách hiện diện mới: không còn giới hạn bởi không gian và thời gian, mà là hiện diện trong Thánh Thần, hiện diện trong Giáo hội, hiện diện trong từng người tín hữu chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta không bao giờ đơn độc: chúng ta có một Đấng Bầu Cử, Đấng đang chờ đợi chúng ta, Đấng bảo vệ chúng ta.
Người lên trời, nhưng Người vẫn ở lại. Chính Người đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày, cho đến tận thế.” (Mt 28,20)
Ngày Của Cha
Tại nước Đức, lễ Thăng Thiên cũng trùng với Ngày của Cha – Vatertag. Một sự trùng hợp thú vị không phải là vô nghĩa. Bởi vì, khi suy niệm về mầu nhiệm Thăng Thiên của Chúa Giêsu, ta cũng khám phá ra chiều sâu của tình cha – cả nơi Thiên Chúa là Cha, và nơi những người cha trần thế trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Xin chúc mừng tất cả những người cha – những người hiện diện vì người thân yêu và vì người khác, những người trao ban tình thương và nâng đỡ bằng hành động mạnh mẽ và lời khuyên khôn ngoan. Cầu chúc những người cha nhận được muôn phúc lành từ Chúa Cha trên trời.
P. Nguyễn Quân, SVD
CHÚC MỪNG ĐẠI LỄ PHỤC SINH 2025
“Chúa đã sống lại thật rồi, Alleluia!” (Lc 24,34)
Kính thưa Hội đồng Mục vụ, Quý Ban ngành, Quý Ông Bà và Anh Chị Em rất thân mến trong Chúa Kitô Phục Sinh,
Trong niềm vui trào dâng và ánh sáng rạng ngời của Đại lễ Phục Sinh, con xin thân ái gửi đến Anh Chị Em lời chúc mừng nồng nhiệt nhất: Mừng Chúa Phục Sinh! Alleluia!
Hôm nay, toàn thể Hội Thánh cùng hân hoan tuyên xưng mầu nhiệm trọng tâm của Đức Tin Kitô giáo: Đức Kitô chịu chết và đã sống lại, để ban sự sống mới cho nhân loại.
Ngài không còn trong mồ. Ngài đã chiến thắng sự chết. Và nhờ Ngài, chúng ta được mời gọi bước vào một đời sống tràn đầy hy vọng và bình an.
Phục Sinh 2025 – Niềm vui giữa Năm Thánh của Hy Vọng.
Năm nay, niềm vui Phục Sinh càng thêm trọn vẹn, vì chúng ta đang sống trong Năm Thánh 2025, với chủ đề: “Những người hành hương của hy vọng – Pilger der Hoffnung.” Đây là thời gian ân sủng đặc biệt, khi toàn thể Dân Chúa được mời gọi: Hành hương trong đức tin, đổi mới đời sống thiêng liêng và can đảm trở nên chứng nhân của niềm hy vọng giữa một thế giới đang còn nhiều lo âu, nghi ngờ và thất vọng.
Chúa Kitô Phục Sinh chính là niềm Hy vọng không bao giờ tắt của chúng ta. Ngài không chỉ là ánh sáng cuối đường hầm, mà là ánh sáng đang đồng hành với chúng ta trong từng bước đi của hành trình Đức Tin.
Anh chị em thân mến,
Mừng Chúa sống lại không phải là dừng lại ở cảm xúc, mà là một tiếng gọi canh tân, một lời mời bước sang một đời sống mới trong Chúa Kitô: “Nếu anh em cùng chết với Đức Kitô, thì hãy tìm những gì thuộc về thượng giới” (x. Cl 3,1-3). Phục Sinh là thời khắc để: Từ bỏ những nếp sống cũ của ích kỷ, ghen ghét, vô cảm, và mặc lấy tâm hồn mới – đầy yêu thương, tha thứ, khiêm nhường và phục vụ. Trong ánh sáng Phục Sinh, mỗi người chúng ta hãy để Chúa Kitô sống lại ngay trong trái tim, trong gia đình, trong cộng đoàn và nơi môi trường sống của mình.
Trở nên chứng nhân hy vọng trong thế giới hôm nay.
Giữa xã hội đang mỏi mòn vì chiến tranh, nghèo đói, khủng hoảng giá trị, Hội Thánh cần những người tín hữu biết chiếu tỏa ánh sáng Phục Sinh bằng chính cuộc sống của mình. “Hãy sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15).
Chúng ta hãy cùng nhau sống và loan báo Tin Mừng phục sinh bằng một đời sống thanh liêm và chính trực, một trái tim biết yêu và biết tha thứ, một đức tin được thể hiện trong việc phục vụ người nghèo, người cô đơn, người đau khổ, người lạc đường.v.v. Khi sống như vậy, chúng ta sẽ là những “người hành hương hy vọng” đích thực – sống động và sinh nhiều hoa trái.
Con tha thiết cầu nguyện xin Đức Kitô Phục Sinh đổ tràn ơn lành trên từng người, từng gia đình, từng cộng đoàn trong Gia đình Liên Giáo Phận và tất cả mọi người chúng ta.
Nguyện cho ánh sáng Phục Sinh và ân sủng Năm Thánh giúp chúng ta làm mới lại đời sống Đức Tin, và cùng nhau xây dựng một Hội Thánh sống động, hiệp hành và tràn đầy hy vọng.
Chúc mừng Đại lễ Phục Sinh 2025! Alleluia – Chúa đã sống lại thật rồi!
Thân ái trong Chúa Kitô Phục Sinh,
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
❆
THỨ BẢY TUẦN THÁNH: Thinh Lặng Để Yêu, Chờ Đợi Để Tin, Và Hy Vọng Để Sống Lại.
Anh chị em thân mến,
Sau cuộc Thương Khó, hôm nay Hội Thánh bước vào một ngày rất đặc biệt: Thứ Bảy Tuần Thánh – ngày mà Chúa Giêsu đang yên nghỉ trong mồ. Tưởng chừng như mọi thứ đã kết thúc. Tình yêu đã chịu đóng đinh. Hy vọng đã bị chôn vùi. Các môn đệ tản mát. Mẹ Maria lặng lẽ đau buồn. Nhưng... chính trong khoảnh khắc im lặng và tưởng như tăm tối ấy, Thiên Chúa đang chuẩn bị cho điều kỳ diệu nhất: Sự Phục Sinh.
Trong ngày này, xin mời gọi anh chị em cùng sống chậm lại một chút: Dành chút thời gian cầu nguyện âm thầm bên Chúa; Cùng Mẹ Maria canh thức trong niềm tin; Suy gẫm về những “ngôi mộ” trong cuộc sống mình: những vết thương, những mất mát, những đau khổ mà ta tưởng như không thể vượt qua… Đời người ai cũng có những „thứ Bảy“ mà ta phải ít nhiều đối diện: Thất vọng và buồn đau; Những lúc không thấy Thiên Chúa đâu cả; Những lần cầu nguyện trong nước mắt và thinh lặng khiến chúng ta dễ nản lòng, dễ mất đức tin.
Thế nhưng, thưa Anh Chị Em, Thứ Bảy Tuần Thánh không kéo dài mãi – vì Bình Minh Phục Sinh sẽ đến. Thứ Bảy Tuần Thánh nhắc chúng ta: Thiên Chúa vẫn đang làm việc – âm thầm nhưng đầy yêu thương. Xin anh chị em dành ngày hôm nay như một thời khắc thánh thiêng, để tâm hồn được chuẩn bị thật sự đón Chúa sống lại. Hãy để thinh lặng nói với Chúa điều sâu nhất trong lòng ta. Hãy để hy vọng âm thầm lớn lên, như hạt giống nảy mầm trong lòng đất.
Và đêm nay, khi ánh lửa Phục Sinh được thắp lên, xin cho mỗi chúng ta cũng bừng sáng trong đức tin, và sống trọn vẹn niềm vui: Chúa đã sống lại thật rồi! Alleluia!
Trong tình yêu Ngôi Lời.
P. Nguyễn Quân, SVD
✢
THỨ SÁU TUẦN THÁNH: Ngước nhìn tình yêu nơi Đấng chịu đóng đinh
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, cả Hội thánh chìm trong thinh lặng và suy niệm. Không Thánh lễ, không tiếng chuông, không hoa nến. Chỉ còn thập giá và Chúa Giêsu bị treo trên đó. Ngày hôm nay không phải là một cái chết buồn vô nghĩa. Hôm nay là ngày tình yêu chiến thắng. Một tình yêu đi đến tận cùng – “không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Chúa Giêsu không chết vì bị ép buộc. Ngài không chết vì thất bại. Ngài tự nguyện đi vào cuộc Thương khó, bước từng bước lên đồi Canvê, mang trên vai thập giá: nặng không chỉ vì gỗ, mà vì tội lỗi của cả nhân loại.
Và rồi… trên thập giá ấy, Ngài đã giang tay ra để ôm cả thế giới vào lòng. Ngài tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ.” Ngài mở cửa thiên đàng cho người trộm lành: “Hôm nay, anh sẽ ở với tôi.” Ngài nghĩ đến Mẹ và môn đệ: “Đây là con của Mẹ… Đây là Mẹ của con.”
Chúa chết, nhưng trái tim vẫn yêu. Chúa chịu treo lên, nhưng ánh mắt vẫn đầy nhân hậu. Chúa bị xé nát, nhưng vẫn là của lễ cho muôn người.
Anh Chị Em thân mến,
Thập giá không chỉ là biểu tượng tôn giáo. Thập giá là ngôn ngữ của tình yêu Thiên Chúa: Một tình yêu không đòi hỏi, không tính toán, một tình yêu được tỏ lộ bằng máu, bằng nước mắt, bằng hơi thở cuối cùng. Và ngày hôm nay, Chúa hỏi từng người chúng ta: “Con có hiểu tình yêu của Thầy không?”
Không phải để làm con thấy tội lỗi, nhưng để nhắc rằng con luôn được yêu, ngay cả khi con yếu đuối, thất bại hay phản bội.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con ngước nhìn thập giá, xin cho lòng chúng con vang tiếng tạ ơn. Tạ ơn vì tình yêu không giới hạn của Chúa. Tạ ơn vì cái chết của Chúa đã làm chúng con được sống.
Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với tình yêu ấy bằng một trái tim biết tha thứ, biết hy sinh, biết phục vụ, và biết yêu như Chúa đã yêu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết vì chúng con, xin cho chúng con biết sống vì Chúa và vì Anh Chị Em con.
P. Nguyễn Quân, SVD
✢
Kính gởi: Thầy Phó tế, Hội đồng Mục vụ, quý Ban Đại diện các cộng đoàn, quý Ban ngành, quý Ông Bà, Anh Chị Em, các bạn Trẻ và các cháu Thiếu nhi,
Trước hết, chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta qua một năm Phụng vụ để sống đức tin, củng cố tình hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau; đặc biệt khi chúng ta đã cùng nhau bày tỏ lòng cảm tạ Thiên Chúa, tri ân các thánh tử đạo Việt Nam và niềm hân hoan mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Gia đình Liên Giáo Phận vào dịp lễ 14.09 vừa qua.
Với Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta cùng toàn thể Giáo hội bước vào Năm Phụng vụ mới. Thời gian của Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu, việc chúng ta chuẩn bị mừng đại lễ Giáng sinh không chỉ là mừng kỷ niệm một biến cố đã xảy ra ở quá khứ, nhưng còn là hướng vào sống giây phút hiện tại để gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày và hướng đến tương lai để chờ đợi ngày Chúa lại đến trong vinh quang.
Trong Mùa Vọng, chúng ta được nghe âm vang lời mời gọi của thánh Gioan Tiền hô: “Hãy dọn đường cho Chúa. Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy; khúc quanh co phải uốn cho ngay; đường lồi lõm phải san cho phẳng” (x. Lc 3,5). Thế giới chỉ bình an khi mỗi người mang trái tim an bình. Khi khiêm nhường sám hối và nhìn nhận những lỗi lầm thiếu sót, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau.
Chúng ta bước vào Mùa Vọng giữa lúc thế giới vẫn còn đó nhiều bất ổn. Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine sau một ngàn ngày vẫn chưa tới hồi kết, giữa Hamas và Israel nơi quê hương của Chúa Giêsu, thậm chí ngay cả nơi nước Đức chúng ta đang sống, tình hình chính trị và kinh tế cũng đang có những xáo trộn. Trong khi hướng về Chúa Giêsu giáng sinh trong cảnh nghèo nàn thiếu thốn, chúng ta được mời gọi hãy dùng thời gian của Mùa Vọng để hướng đến những nạn nhân của chiến tranh và người dân nơi những vùng chiến sự; cầu nguyện cho chiến tranh sớm kết thúc và những nạn nhân sớm được ổn định đời sống; cầu nguyện cho các nhà cầm quyền cùng nhau giải quyết xung đột bằng đối thoại, dựa trên quyền lợi và nhân phẩm con người.
Kính thưa Anh Chị Em, dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào, “Mùa Vọng đòi hỏi chúng ta phải nhìn về tương lai và trở thành những người mong đợi và hy vọng”. Đây là cách nhà thần học nổi tiếng Karl Rahner mô tả trong cuốn sách “Mùa Vọng của Thế giới và Mùa Vọng của chúng ta”. Vì vậy chúng ta nên hy vọng. Nhưng làm thế nào có thể đạt được điều này trong những thời điểm bất ổn và xung đột như hiện nay? Thậm chí cả những lúc chúng ta bị cuốn vào tất cả những tin tức tiêu cực về kinh tế, chính trị và thậm chí cả Giáo hội và tự hỏi, điều này sẽ dẫn đến đâu? Suốt ngày chúng ta đọc hết tiêu đề này đến tiêu đề khác và tự hỏi chính mình: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong trong thời gian tới, trong vài năm tới? Karl Rahner đưa ra câu trả lời thích hợp cho vấn đề này bằng cách tiếp tục: “Trong Mùa Vọng, chúng ta thực sự nên tự hỏi mình, một cách cá nhân và cụ thể, liệu tâm trí và trái tim trong chúng ta có một chút chỗ trống cho những điều mới mẻ và tương lai hay không?” Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy dành một khoảng không gian nhỏ cho những ước mơ và hy vọng để chúng ta có thể đối mặt với ngày kia với lòng can đảm và sự tự tin. (Rahner, Karl: Der Advent der Welt und unser Advent, In: Karl Rahner, Der bedeutende Christ. Sämtliche Werke, Bd. 7, Herder: Freiburg im Breisgau 2013, S. 392).
Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ 16 đã vạch ra lộ trình hiệp hành 3 năm với 3 chủ đề như chúng ta đã biết: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Nhìn lại Năm Phụng vụ vừa qua với chủ đề Tham gia, chúng ta tạ ơn Chúa và cám ơn tinh thần tham gia tích cực của mọi thành phần dân Chúa vào đời sống và sinh hoạt chung của Gia đình Liên Giáo phận. Điểm nhấn nổi bật là chúng ta đã cùng nhau tổ chức tốt đẹp dịp lễ mừng Bổn mạng và kỷ niệm 30 năm thành lập Liên Giáo Phận. Qua đó cho thấy tinh thần tham gia, dấn thân và phục vụ cách vô vị lợi của quý Ban ngành, của Anh Chị Em cả trong và ngoài Liên Giáo Phận cùng tham gia trong sự hiệp thông. Năm Sứ vụ là năm cuối cùng mà chúng ta được mời gọi thực hiện trong Năm phụng vụ 2024-2025 này. Năm Sứ vụ mời gọi mọi thành phần dân Chúa sống sứ vụ Loan báo Tin mừng sau khi đã góp phần xây dựng Giáo hội qua việc hiệp thông và tham gia.
Để cụ thể hóa việc sống chủ đề Sứ vụ này, con mời gọi quý Ông Bà Anh Chị Em trong năm Phụng vụ mới này, chúng ta cùng nhau chú tâm việc thực hiện Xây dựng những nhịp cầu nối kết. Nhấn mạnh điều này bởi con nhận thấy sự đối thoại là điều đang rất cần thiết từ phạm vi gia đình, cộng đoàn, cộng đồng hay với những người láng giềng xung quanh. Phải chăng sự mở rộng những không gian ảo trên internet đã thu hẹp lại hay thậm chí xóa bỏ những cuộc đối thoại trực tiếp và hữu ích? Phải chăng việc nhân danh chủ nghĩa cá nhân và sự tự do đã để cho sự mặc kệ, dửng dưng trở thành cách giải quyết những khác biệt hay bất đồng ý kiến trong đời sống? Đức Thánh Cha Phanxicô có lần đã nhấn mạnh và mời gọi: „Người Kitô hữu phải luôn luôn xây những nhịp cầu đối thoại với người khác, chứ không là những bức tường cay đắng. Họ được mời gọi luôn lắng nghe người khác và tìm kiếm con đường hòa giải, với lòng khiêm nhường và dịu dàng, giống như Con Thiên Chúa dạy cho chúng ta“. Đức Thánh Cha nhấn mạnh “Đối thoại cần sự hiền lành, không lớn tiếng. Lòng khiêm tốn, hiền lành, nên mọi sự cho mọi người và, dù không được nói đến trong Kinh Thánh, chúng ta tất cả đều biết rằng để làm được việc này chúng ta phải ngậm đắng nuốt cay nhiều lần. Nhưng chúng ta phải thực hiện điều đó, vì đó là cách để kiến tạo hòa bình: với lòng khiêm nhường, hạ mình, luôn luôn tìm cách để nhìn thấy hình ảnh Chúa trong người khác”.
Anh Chị Em thân mến, dẫu biết việc đối thoại không phải lúc nào cũng dễ dàng với một số người. Nhưng điều tồi tệ hơn việc cố gắng xây một nhịp cầu chính là để cho sự oán giận chế ngự tâm hồn chúng ta. Theo cách đó, chúng ta bị cô lập trong sự oán hờn cay đắng của mình. Hạ mình và luôn xây những nhịp cầu nối kết, đó là điều chúng ta được mời gọi suy tư mỗi khi đứng trước hang đá Belem mỗi dịp Giáng sinh về. Đức Giêsu đã làm như thế: Ngài hạ mình đến cùng, Ngài đã chỉ cho chúng ta con đường. Và chúng ta đừng để thời gian đi qua khi có chuyện xảy ra. Khi có vấn đề, càng sớm càng tốt, vào một thời gian thích hợp chúng ta phải đến gần người kia trong đối thoại, bởi vì theo thời gian, bức tường ngăn cách sẽ lớn lên, tựa như cỏ dại làm ngột ngạt cây lúa. Và khi những bức tường ngăn cách càng lớn thì sự hòa giải càng trở nên rất khó khăn. Một nhịp cầu chứ không phải là một bức tường, giống như bức tường Berlin đã chia cắt nước Đức này trong nhiều năm. Dẫu cho bức tường Berlin đã sụp đổ nhưng có thể ở đâu đó, ngay cả trong tâm hồn chúng ta, có thể vẫn còn một Berlin với bức tường ngăn cách chúng ta với những người khác.
Trong tâm tình tỉnh thức và chờ đợi của Mùa Vọng, với niềm hân hoan của lễ Giáng sinh và Năm mới 2025 sắp đến, con xin kính chúc thầy Phó tế, quý Ban Ngành, quý Ông Bà và Anh Chị Em được dồi dào sức khỏe, cảm nhận được niềm vui và sự bình an mà Con Thiên Chúa mang đến trong Mầu nhiệm Giáng sinh. Nguyện xin Hoàng Tử Hòa Bình ban cho chúng ta và toàn thể thế giới được an vui, hạnh phúc.
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
Tuyên úy
🕯️🕯️🕯️🕯️

Anh Chị Em thân mến,
Ngày 01.11, Giáo hội long trọng mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ. Ngày lễ nhằm để tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã thực hiện những điều kỳ diệu nơi những con người bình thường vốn cũng mỏng dòn yếu đuối. Thế nhưng, các Thánh đã làm chứng bằng cuộc sống của mình cho sự cao cả và khôn ngoan của Thiên Chúa, cho tình yêu và lòng thương xót của Ngài.
Mừng chung Các Thánh Nam Nữ, Giáo hội cho chúng ta thấy biết bao nhiêu các anh chị em của chúng ta đã thành công trên con đường theo Chúa. Sách Khải Huyền cho thấy một số đông đảo không thể đếm được, họ đủ mọi thành phần, thuộc mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia, mình mặc áo trắng, tay cầm cành lá thiên tuế. Tất cả họ đều đã trải qua thử thách lớn lao và đã thành công. Họ gia nhập vào đoàn rước của Nước trời để tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa là Con Chiên, là Đức Vua trời đất. Con số đông đảo ấy cho thấy, Nước Trời không giới hạn, không loại trừ ai, trái lại tất cả mọi người đều được mời vào chung hưởng.
Như thế, các Thánh đều là những người đã nếm mùi đau khổ thử thách ở trần gian như chúng ta, song họ giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa và kiên trì với giới răn lề luật của Thiên Chúa và thực hành Tám mối Phúc thật. Tám Mối Phúc Thật chính là con đường nên thánh của Kitô hữu, là tiêu chuẩn của Nước Trời.
Trong ngày Lễ Các Thánh, Giáo hội cho chúng ta nghe đoạn Tin mừng việc Chúa Giêsu đã long trọng công bố Tám mối phúc như là một bản Hiến chương của Nước Trời. Phúc Cho những ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai đau khổ, vv. Nếu để tâm lắng nghe, mỗi người sẽ thấy có những mối phúc thích hợp với hoàn cảnh của mình, hoặc chính mình đang được mời gọi sống mối phúc ấy.
Giữa một cuộc sống mà người ta hứa hẹn cho chúng ta những cơ hội giàu có, thí Chúa lại chúc phúc cho ai sống tinh thần nghèo khó; giữa lúc xung quanh ta đầy dẫy bạo lực thì Chúa lại muốn chúng ta sống hiền lành; giữa lúc con người tìm kiếm sự thỏa mãn, thì Chúa lại chúc phúc cho người đau khổ; giữa lúc cuộc sống đầy giả trá luồn lách, thì chúng ta, người Kitô hữu, được mời gọi sống công chính; giữa lúc mà con người dường như trở nên vô cảm, hững hờ trước nỗi đau của anh chị em, thì Chúa muốn chúng ta biết xót thương mọi người; giữa lúc người đời tìm kiếm sự hưởng thụ, khoái lạc thì chúng ta được mời gọi sống trong sạch. Sống trong một xã hội nhiều bạo lực giết chóc, hận thù, chúng ta được mời gọi xây dựng hòa bình. Trong một xã hội còn nhiều bất công, chịu thiệt thòi vì mang danh là Kitô hữu, Chúa chúc phúc cho những người bị bách hại và bị vu khống chỉ vì mang danh là mộn đệ của Chúa. Như thế, Tám mối Phúc là những lời vừa động viên khuyến khích, vừa mời gọi mỗi chúng ta dám lội ngược dòng, dám sống khác với trào lưu của thế giới và xã hội hôm nay, vì một mục đích duy nhất đó là hạnh phúc Nước trời mai sau. Các Thánh chính là những người dám sống cái nghịch lý nhưng không vô lý của Tin mừng. Các Ngài đã sống đến cùng những đòi hỏi của Tám mối Phúc của Chúa và các ngài đã thành công.
Trong ngày mừng lễ Các Thánh, chúng ta không chỉ tôn kính và cầu xin, khấn hứa cùng các ngài, mà còn là nhìn vào tấm gương của các thánh để chúng ta noi theo. Giống như các thánh, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương và chuẩn bị hạnh phúc Nước Trời cho chúng ta. Thánh Gioan Tông đồ đã diễn tả tình yêu ấy khi nói: Thiên Chúa yêu chúng ta dường nào, đến nỗi cho chúng ta được làm con của Ngài và thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Chúng ta cùng được chia sẻ vinh quang của Đức Kitô, Người Con duy nhất của Thiên Chúa. Ai đặt trọn niềm tin tưởng và hy vọng vào Chúa Kitô thì chắc chắn sẽ được hưởng hạnh phúc với Ngài.
Mừng Các Thánh Nam Nữ là dịp để nhắc nhở ơn gọi của chúng ta là nên thánh. Ai cũng phải nên thánh. Nên thánh trong bổn phận. Nên thánh trong hy sinh vì lợi ích tha nhân. Nên thánh trong việc đón nhận thánh ý Chúa với lời xin vâng trọn vẹn. Nên thánh giữa dòng đời tục lụy là điều rất khó nhưng không phải là không thể. Và chắc chắn nên thánh luôn là con đường hoàn thiện mình trên con đường của Tám Mối phúc, của một lối sống để cho ý Chúa luôn thể hiện trong cuộc đời của mình.
Kính chúc Anh Chị Em ngày Lễ Các Thánh được nhiều ơn thánh Chúa.
Phêrô Nguyễn Quân, SVD
Các bản tin khác:


Anh Chị Em thân mến,
Giáo hội khai mạc Tuần thánh với Chúa nhật Lễ Lá. Phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá được mở đầu với bầu khí hân hoan phấn khởi qua nghi thức rước lá nhằm tưởng nhớ lại việc Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem. Đám đông dân chúng tung hô Chúa Giêsu “Hosana, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Nhưng liền sau đó, phụng vụ Lời Chúa lại trình bày cho chúng ta con đường thập giá và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu qua bài thương khó. Giáo hội muốn làm nổi bật Mầu nhiệm Thập giá trong suốt Tuần thánh để người Kitô hữu xác tín: Thập giá là tình yêu cứu độ, là con đường vinh quang phục sinh.
Trong suốt Tuần thánh này, Giáo hội mời gọi chúng ta trở lại con đường thập giá của Chúa Giêsu và tỉnh thức lại chọn lựa canh tân đời sống chúng ta. Ước chi Tuần thánh không diễn ra do những nghi thức quen thuộc trống rỗng, trong đó chúng ta chỉ đứng nhìn như khách bàng quan mà là những bước đường thập giá, qua đó chúng ta quyết tâm đi theo Chúa Giêsu đến cùng, để trong sự Phục Sinh của Ngài, chúng ta được thực sự trở thành con người mới.
Kính chúc Anh Chị Em bước vào Tuần thánh nhiều ơn Thánh của Chúa.
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG
Kính thưa Anh Chị Em,
Chúa nhật II Mùa vọng, Giáo hội giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt Gioan Tiền hô, một ngôn sứ luôn gắn bó với Thiên Chúa, rất gần gũi với con người. Lời Chúa Gioan chiêm niệm trong hoang địa qua nhiều năm tháng đã giúp ông tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều hạng người qua những vùng ven sông Giođan. Lời Chúa Gioan nghe đã trở thành lời Chúa ông công bố. Tiếng Chúa gọi Gioan đã trở thành tiếng ông mời gọi mọi người. Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho anh chị em mình đến với Chúa Cứu Thế.
Trong Tin mừng của Chúa nhật thứ II mùa Vọng này, chúng ta nghe Gioan nhắc lại lời ngôn sứ Isaia: „Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi“ (Mt 3,2).
Đường quan trọng nhất là đường vào cõi lòng. Gioan đã chỉ cho thấy rằng, mỗi con người đều có ít nhiều đồi núi kiêu ngạo, thung lũng ích kỷ, ghồ ghề khúc khuỷu trong các mối quan hệ. Có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vắng ánh sáng tình yêu.
Con đường vào cõi lòng cần được khai mở bằng lối mòn của tình người, của sự liên đới và cảm thông. Hãy mở lối để con người đến với nhau trong hòa bình và thân ái. Đường của yêu thương xóa bỏ ngăn cách hận thù, chia rẽ. Đường của thứ tha để xây dựng tình bằng hữu anh em. Đường của bác ái để xây dựng hạnh phúc cho tha nhân. Và, con đường của Nước Trời còn hướng cho mọi người biết nhìn về trời cao dù chân đang chạm đất thấp, để sống thanh thoát với những bon chen trần tục, sống vượt lên trên những tham-sân-si để được vui tươi và hạnh phúc.
Vào những ngày của mùa Vọng này, gương của Thánh Gioan muốn khuyến khích chúng ta xem xét lại con đường làm môn đệ của mình. Chúng ta đang đứng ở đâu với tư cách là những người Kitô hữu trong tương quan với Chúa và tha nhân?
Mến chúc Anh Chị Em tuần thứ II của mùa Vọng được nhiều ơn thánh và niềm vui.
Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
🎄🎄🎄
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay Giáo hội long trọng mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ. Trong ngày lễ trọng hôm nay, chúng ta cử hành việc tôn vinh chính Thiên Chúa, Đấng kêu gọi và giúp các thánh làm chứng bằng cuộc sống của mình cho sự cao cả và khôn ngoan của Thiên Chúa, cho tình yêu và lòng thương xót của Ngài.
Các Thánh Nam Nữ, họ là ai? Họ là những người đã bước qua cuộc đời này và để lại cho đời những gợn sóng của tình yêu dâng hiến, của tình người vị tha phục vụ quên mình. Họ đã thả vào dòng đời này một tình yêu hiến dâng, một tình yêu cao vời dành cho Thiên Chúa, một con tim rộng mở vô bờ đến với tha nhân. Họ là những người nam, người nữ đã cống hiến cuộc đời để đem lại hạnh phúc cho tha nhân. Họ có thể là những con người biết tận dụng khả năng Chúa ban để làm đẹp cho cuộc đời bằng biết bao nghĩa cử yêu thương. Họ có thể là những con người kém may mắn nhưng đã âm thầm gieo vào đời những lời kinh nguyện, những hy sinh cho những người thân yêu. Họ đã biết tôn vinh Chúa qua dòng đời đầy trái ngang dâu bể này.
Như vậy, tất cả các thánh chỉ có thể được gọi là thánh vì họ đã làm cho Thiên Chúa được tôn vinh. Và chúng ta có thể được truyền cảm hứng và tự hỏi: Chúng ta dành không gian nào cho Chúa trong cuộc đời mình? Chẳng phải chúng ta luôn có cơ hội để thế giới xung quanh cảm nhận được điều gì đó tốt lành về Thiên Chúa sao? Đây không phải lúc nào cũng đều là những bước đi và hành động lớn. Không, nhất là trong những điều nhỏ nhặt, trong những cuộc gặp gỡ hàng ngày, chúng ta có thể trở nên thánh thiện nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Các Mối phúc: Lời hứa và Sứ mệnh các Mối phúc trong bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta một số gợi ý về cách thực hiện điều này. Cũng không nên hiểu lầm những điều này như một niềm an ủi không thể đạt được cho tương lai xa, cho cuộc sống sau khi chết. Không, các Mối phúc là một lời hứa và một mệnh lệnh từ Thiên Chúa ở đây và bây giờ. Một lời hứa mà Thiên Chúa nhìn thấy chính xác nơi nào có nghèo đói, nơi nào có nỗi buồn, nơi nào có sự hiền lành - chứ không chỉ nơi mà mọi người đều no đủ vui vẻ và hạnh phúc. Và, nơi nào con người với sự cố gắng nỗ lực nhất, sẽ chiến thắng.
Logic của Chúa khác với logic mà chúng ta thường gặp trong thế giới của mình. Đồng thời, điều này cũng hàm chứa sứ mệnh mà Chúa Giêsu ngỏ với chúng ta, đó là chúng ta cũng tuân theo lý lẽ của Thiên Chúa và không ngoảnh mặt khi đối diện với nghèo đói, cô đơn và bất hạnh, nhưng đúng hơn là nhìn vào hành động. Chúng ta cũng được mời gọi thực hiện lòng thương xót, sự dịu dàng và công bằng của Thiên Chúa mỗi ngày trong những cuộc gặp gỡ và liên hệ với người khác. Nhất là qua việc chiêm ngắm cuộc đời Đức Giêsu, xin cho chúng ta cũng đủ khiêm nhường cúi xuống để nhìn nhận và chia sẻ những nhu cầu của tha nhân.
Mừng các thánh nam nữ là dịp để nhắc nhở ơn gọi của chúng ta là nên thánh. Ai cũng phải nên thánh. Nên thánh trong bổn phận. Nên thánh trong hy sinh vì lợi ích tha nhân. Nên thánh trong việc đón nhận thánh ý Chúa với lời xin vâng trọn vẹn. Nên thánh giữa dòng đời tục lụy là điều rất khó nhưng không phải là không có thể. Và chắc chắn nên thánh luôn là con đường hoàn thiện mình trên con đường của Tám Mối phúc, của một lối sống để cho ý Chúa luôn thể hiện trong cuộc đời của mình.
Kính chúc Anh Chị Em ngày Lễ Các Thánh được nhiều ơn thánh Chúa.
Phêrô Nguyễn Quân, SVD