Tinh thần vui tươi và thánh thiện của Thánh Philíp Nêri đã làm sống dậy tinh thần đạo đức ở Rôma vào thời ấy.
Thánh Philíp Nêri, vị "Tông Ðồ của Rôma", là một trong những khuôn mặt lớn của cuộc Cải Cách Công Giáo. Một trong những điều đáng kể của thánh nhân là ảnh hưởng của ngài, dù ngài không viết một cuốn sách, không đề nghị một học thuyết gì mới mẻ, và cũng không khởi xướng một phong trào linh đạo nào. Nhưng tinh thần vui tươi và thánh thiện của ngài đã làm sống dậy tinh thần đạo đức ở Rôma vào thời ấy.
Thánh Nêri sinh ở Florence, nước Ý năm 1515. Ngay từ khi còn trẻ, ngài đã khước từ cơ hội để trở thành một doanh gia và lên Rôma với ý định tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Trong vài năm, ngài sống thật đơn giản, ngoài thời giờ học hỏi, ngài còn đi dạy thêm để đủ sống. Ðây là quãng thời gian cầu nguyện và chuẩn bị cho một ơn gọi mà ngài chưa biết rõ.
Thành phố Rôma thời bấy giờ trong tình trạng thối nát về tâm linh và đạo đức. Các giáo hoàng thời Phục Hưng thường nổi tiếng về mưu đồ và tài năng chính trị hơn là đời sống gương mẫu. Việc tấn phong các hồng y nếu không được quyết định bởi lý do chính trị thì cũng vì lý do phe cánh. Cả thành phố đắm chìm trong tình trạng hoài nghi yếm thế đối với sứ điệp Kitô Giáo. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh này, Philíp Nêri đã nhận ra ơn gọi của mình, đó là tái-phúc-âm-hoá Rôma.
Quả thật là một công việc táo bạo, nhưng với nhiệt huyết, Nêri đã khởi sự ngay ở các đường phố qua các cuộc đối thoại về tôn giáo với bất cứ ai ngài gặp, bất cứ đâu có cơ hội. Không bao lâu, những người quen biết ngài ngày càng đông và họ cảm mến sự thẳng thắn cũng như khả năng thấu suốt linh hồn của họ mà Chúa đã ban cho ngài.
Vào năm 1550, khi ngài ba mươi lăm tuổi, qua sự khuyến khích của cha giải tội, ngài chịu chức linh mục. Ngay sau đó, ngài trở thành cha giải tội nổi tiếng và ngài thường tổ chức các buổi học hỏi, nói chuyện ngay trong khuôn viên các đền thánh ở Rôma.
Ngay trên căn gác của ngài sinh sống, thường có các buổi hội thảo về đời sống tâm linh của những người theo ngài, gồm các giáo sĩ cũng như giáo dân. Ðây là khởi sự của Tu Hội Oratory mà đặc điểm là cầu nguyện và hát thánh vịnh bằng tiếng bản xứ cũng như mỗi ngày đều có bốn cuộc hội thảo bán chính thức.
Hình thức sinh hoạt "mới lạ" này đã bị Tòa Thẩm Tra nghi ngờ. Có phải Nêri toan tính một loại sinh hoạt thiên về Tin Lành ngay trong thủ đô Rôma hay chăng? Sau giai đoạn đau khổ vì bị cáo buộc là tụ tập những kẻ lạc giáo, mà trong đó giáo dân có thể giảng và hát thánh vịnh bằng tiếng bản xứ, cuối cùng Tu Hội Oratory đã được chấp thuận. Hiến pháp của tu hội phải ảnh tinh thần của Thánh Philíp Nêri, chú trọng vào ý chí cá nhân hơn là thẩm quyền pháp lý. Các linh mục không có lời khấn. Họ tự ràng buộc chính mình, vì như Cha Philíp Nêri đã nói, "Nếu bạn muốn vâng phục, thì không cần đến mệnh lệnh".
Ngay khi ngài còn sống, đã có nhiều phép lạ xảy ra nhờ lời cầu nguyện của ngài. Vào ngày lễ Hiện Xuống năm 1544, ngài được một cảm nghiệm siêu nhiên về tình yêu Thiên Chúa mà sau đó, mỗi khi dâng Thánh Lễ, khuôn mặt ngài tỏa sáng lạ thường. Dân chúng đều coi ngài là thánh, nhưng chính ngài lại giả điên giả khùng với khuôn mặt chỉ cạo râu có một nửa để khỏi bị dân chúng tôn sùng.
Vào những năm cuối đời, thánh nhân là tâm điểm đời sống tâm linh của Rôma trong nhiều phương cách. Không chỉ có các linh mục trong tu hội, mà cả các giám mục và hồng y đã tìm đến căn phòng nhỏ bé của ngài để xin hướng dẫn linh đạo. Người dân Rôma, ai ai cũng biết đến công việc bác ái của thánh nhân, đặc biệt là việc cung cấp linh mục tuyên uý cho các nhà thương thành phố. Sau cùng, vào ngày 25 tháng Năm 1595, sau khi nghe xưng tội và tiếp khách, trước khi về phòng nghỉ, ngài tuyên bố, "Rốt cục, chúng ta đều phải chết." Quả thật, đêm ấy ngài đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 80 tuổi.
Lời Trích
Khi được hỏi ngài cầu nguyện thế nào, Thánh Philíp Nêri trả lời: "Hãy khiêm tốn và phó thác, và Chúa Thánh Thần sẽ dạy bạn cầu nguyện."
theo Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ