Offcanvas Section

You can publish whatever you want in the Offcanvas Section. It can be any module or particle.

By default, the available module positions are offcanvas-a and offcanvas-b but you can add as many module positions as you want from the Layout Manager.

You can also add the hidden-phone module class suffix to your modules so they do not appear in the Offcanvas Section when the site is loaded on a mobile device.

BÀI ĐỌC I:    1 Cr 2, 1-5

"Tôi đã công bố cho anh em bằng chứng của Chúa Kitô chịu đóng đinh".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan, tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa.    

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 97. 99. 100. 101. 102

Đáp:  Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp Chúa biết bao (c. 97a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp Chúa biết bao, suốt ngày con mải suy gẫm về luật đó. - Đáp.

2) Chỉ thị Chúa khiến con thành khôn ngoan hơn quân thù, vì muôn đời chỉ thị đó vẫn theo con. - Đáp.

3) Con khôn ngoan hơn những bậc tôn sư, nhờ suy gẫm về những lời nghiêm huấn của Ngài. - Đáp.

4) Con am hiểu hơn những bậc lão thành, vì huấn lệnh của Ngài con tuân giữ. - Đáp.

5) Con kìm hãm chân con xa mọi đường gian ác, để con giữ trọn lời dạy của Ngài. - Đáp.

6) Con không bước trật đường thánh dụ của Ngài, bởi vì chính Ngài đã dạy bảo con. - Đáp.

ALLELUIA: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 4, 16-30

"Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó...Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe". Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: "Người này không phải là con ông Giuse sao?"

Và Người nói với họ: "Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: 'Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình'; 'điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông' ". Người nói tiếp: "Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria".

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.   

Đó là lời Chúa.

LỜI ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM

“Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,21)

Suy niệm: “Ta phải tiếp cận Kinh Thánh như một câu chuyện – câu chuyện của Chúa và của dân Ngài qua dòng lịch sử. Điều làm cho Kinh Thánh là động lực và mang tính thời sự là câu chuyện ấy chưa kết thúc” (B. Hardin). Là Ki-tô hữu, ta đã nghe bao Lời Kinh Thánh: trong thánh lễ ngày Chúa nhật, ngày thường, ngày lễ, hay trong gia đình. Lắm lúc Lời ấy đi vào tai ta, nhưng rồi không đọng lại chút dư âm gì, và vì thế, không sinh hoa kết hạt tựa như hạt giống rơi trên sỏi đá hay vệ đường. Chỉ cần một câu Lời Chúa ấy được quan tâm, ghi khắc, suy niệm, và đem ra áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, Kinh Thánh không còn là câu chuyện ngày xa xưa, nhưng là câu chuyện của Chúa với ta hôm nay. Khi ấy, Kinh Thánh trở thành động lực cho lối hành xử, là Lời được ứng nghiệm trong đời ta.

Mời Bạn: “Kinh Thánh cống hiến cho ta định hướng về Chúa và vạch giới hạn để ta xử lý các kịch tính mỗi ngày. Kinh Thánh thách đố các động cơ hành động, cũng như đem lại cho ta sự khôn ngoan sâu sắc, để ta hoạt động trong tư thế thân thể Chúa Ki-tô” (B. Hardin). Kinh thánh mang tính sinh tử như vậy trong đời sống đức tin của bạn, vấn đề là bạn có để cho Lời Chúa trong Kinh Thánh trở thành “bạn” của mình không?

Sống Lời Chúa: Tôi quan tâm hơn đến việc dành thời gian để đọc, ghi nhớ, suy gẫm, và tìm phương cách áp dụng Lời Chúa mỗi ngày trong đời sống mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chính Chúa là Lời được gieo vào thế gian, để sinh hoa kết hạt cho thế gian. Xin cho con quan tâm hơn đến vị trí của Lời Chúa trong đời con. Amen.

Ốc Ðảo Hòa Bình

Cách Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Ả Rập đã tình nguyện sống chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người Ả Rập thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có nghĩa là "Ốc đảo hòa bình".

Năm 1978, khi mới thành lập, ngôi làng Hòa Bình này chỉ có một gia đình. Một năm sau, con số đó lên đến năm và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Ả Rập chung sống với nhau. Tổng cộng dân số của ngôi làng Hòa Bình này hiện nay là 70 người. Tất cả đều đeo đuổi một mục đích chung là minh chứng rằng người Do Thái và người Ả Rập có thể sống chung với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Người sáng lập ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục công giáo năm nay 78 tuổi. Cha ngài là một người Pháp gốc Do Thái và mẹ ngài là một người Hungary cũng gốc Do Thái. Cả hai đều là những người Do Thái khổ đạo. Năm lên 22 tuổi, ngài đã trở lại công giáo và xin tu trong viện Ðaminh. Cha Bruno Hussar tuyên bố với tất cả xác tín như sau: "Trong Kinh Thánh người ta đọc được lời này: Dân Ta sống trong một ốc đảo hòa bình. Cố gắng cảm thông là điều có thể làm cho những người Do Thái và Ả Rập xích lại gần nhau, cũng như chính những người Kitô có thể đến gần với những người Hồi Giáo và vô thần".

Ước vọng của các phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng Hòa Bình này là thấy chúng được giáo dục chung với nhau. Do đó, họ đã cho xây một vườn trẻ chung, một trường mẫu giáo chung, một trường tiểu học chung, nơi đó các trẻ em Do Thái và Ả Rập đều có thể nói một lúc hai thứ tiếng. Một người cộng tác viên của cha Bruno cho biết như sau: "Ngay từ lúc nhỏ, các trẻ em đã có thể làm quen với hai nền văn hóa một lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là các em sẽ đánh mất nền văn hóa của mình, trái lại càng ý thức về nguồn gốc của mình cũng như càng tôn trọng người khác".

Ðể bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này cũng xây nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của họ. Tất cả đều chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống nhau. Mỗi ngày, mọi dân cư trong ngôi làng này dùng điểm tâm và ăn trưa chung với nhau.

Người phụ tá của cha Bruno Hussar nói rằng: "Ngồi đồng bàn để nói chuyện với nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi thái độ rất nhiều".

Cũng như trong tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Ả Rập. Người ta cũng đã nghĩ đến một nhà cầu nguyện chung, chung không những cho người Do Thái và Ả Rập, mà còn chung cho những người không tín ngưỡng nữa...

Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối... Những người dân cư trong ngôi làng Hòa Bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu loang của Hòa Bình mà họ đã tung ra. Một ánh lửa được đốt lên sẽ không bao giờ tàn lụi một cách vô ích. Nó sẽ lan ra và khơi dậy những ngọn lửa mới.

Tình yêu là điều có thể có giữa con người. Hòa bình là điều mà con người có thể xây dựng nếu con người biết tin tưởng nhau, biết chấp nhận nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của nhau...

Trong phạm vi nhỏ bé của một tổ, của một khu phố, của một xóm làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể xây dựng được một ngôi làng Hòa Bình với nhau không?...

Trích sách Lẽ Sống

 

 

Wir nutzen Cookies auf unserer Website. Einige von ihnen sind essenziell für den Betrieb der Seite, während andere uns helfen, diese Website und die Nutzererfahrung zu verbessern (Tracking Cookies). Sie können selbst entscheiden, ob Sie die Cookies zulassen möchten. Bitte beachten Sie, dass bei einer Ablehnung womöglich nicht mehr alle Funktionalitäten der Seite zur Verfügung stehen.