Bài đọc I: Kn 3, 1–9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết thì hình như các ngài đã chết, và việc các ngài từ biệt chúng ta là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc đọc: 2Mcb 7,1. 20–23. 27b–29

“Hỡi người phụ nữ đáng ca tụng, bà vui long chịu đựng và trông cậy vào Thiên Chúa”.

Trích sách Maccabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm.

Đặc biệt là bà mẹ đáng ca tụng và ghi nhớ: chỉ trong một ngày, bà chứng kiến bảy con mình chết, bà vui lòng chịu đựng và trông cậy vào Thiên Chúa. Bà đầy khôn ngoan, dùng tiếng của cha ông, can đảm khuyên bảo từng đứa con; bà dùng sự hăng say nam nhân mà nâng đỡ tâm hồn phụ nữ của bà, bà nói với các con: “Mẹ không biết các con đã thành hình trong lòng mẹ ra sao, vì không phải mẹ ban cho các con tinh thần, linh hồn và sự sống, cũng không phải mẹ sắp đặt các chi thể của mỗi con; nhưng Đấng Sáng Tạo vũ trụ. Người đã dựng nên loài người, và sáng tạo mọi sự với lòng nhân hậu, Người sẽ trả lại cho các con tinh thần và sự sống, vì giờ đây các con coi rẻ mạng sống các con để bảo vệ luật pháp của Người”.

Bà còn dùng tiếng của cha ông mà nói rằng: “Hỡi con, hãy thương mẹ đã cưu mang con chín tháng trong dạ, đã cho con bú sữa trong ba năm, đã nuôi dưỡng và dẫn dắt con cho tới tuổi này. Con ơi, mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất, và tất cả mọi sự trong đó, con biết rằng Thiên Chúa đã tác tạo những vật đó và loài người từ hư vô, nên con đừng sợ tên lý hình này, một hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con và hãy nhận lãnh cái chết, để nhờ lòng lân tuất của Chúa, mẹ sẽ gặp con cùng các anh con”.

Đó là lời Chúa.

 

Ðáp ca: Tv 125,1–2ab.2cd–3.4–5 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

 

Bài đọc II: 1Cr 1, 17–25

“Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông sáng của những người thông sáng”. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu? Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của thế gian này trở nên ngu dại sao? Vì khi thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do Thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được kêu gọi, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.

Đó là lời Chúa.

 

Hoặc đọc: Rm 8, 31b–39

“Không một tạo vật nào có thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Chúa chúng ta”.

Trích thư của thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con Mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa cũng đang biện hộ cho chúng ta?

Ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Ðức Kitô được? Hay là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao? (Như có lời chép rằng: “Vì Chúa mà thâu ngày chúng tôi bị tử hình. Chúng tôi bị coi như con chiên đem đi giết”). Nhưng chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy vì Ðấng đã yêu thương chúng ta. Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc đọc: 2Cr 4, 7–15

Chúng tôi mang trong thân xác mình sự chết của Đức Giêsu

Trích thư thứ hai của thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, chúng tôi chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành, để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chứ không phải phát xuất tự chúng tôi. Chúng tôi chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng tôi phải long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng tôi bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì chúng tôi luôn mang trên thân xác mình sự chết của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác chúng tôi. Vì chưng, mặc dầu đang sống, nhưng vì Ðức Giêsu, chúng tôi luôn luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Ðức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng tôi. Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em. Nhưng anh em hãy có một tinh thần đức tin, như đã chép rằng: “Tôi đã tin, nên tôi đã nói”, và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Ðức Giêsu, và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc đọc: Kh 7, 9–17

“Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến”.

Trích sách Khải Huyền của thánh Gioan Tông Đồ.

Tôi là Gioan, đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên; họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế, và lớn tiếng tung hô rằng: “Vạn thắng cho Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai toà, và Con Chiên. Tất cả các thiên thần đứng chung quanh ngai toà, cùng với các bô lão và bốn con vật, phủ phục trước ngai toà và thờ lạy Thiên Chúa rằng: Amen, chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, quyền năng, sức mạnh đều quy về Thiên Chúa chúng ta đến muôn đời. Amen”.

Một trong các vị bô lão cất tiếng hỏi tôi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy và từ đâu tới?” Tôi trả lời: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặc áo và tẩy nó trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Ðấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ”.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: 1Pr 4,14

Alleluia, alleluia! – Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 10, 17–22

“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc đọc: Lc 9, 23–26

“Ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Ðức Giêsu phán cùng mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày và theo Ta. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thua thiệt và mất mạng sống mình, thì được ích gì? Bởi lẽ kẻ nào hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn khi họ đến trước tôn nhan Ngài, tôn nhan Chúa Cha và các Thiên Thần.

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc đọc: Ga 17, 11b–19

“Thế gian đã ghét chúng”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy niệm 1: AI LIỀU MẤT MẠNG SỐNG MÌNH VÌ TÔI

Các vị Tử Đạo Việt Nam đều có kinh nghiệm

sống từng lời của đoạn Tin Mừng hôm nay:

bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra trước vua quan,

bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết.

Tất cả những gì các ngài phải chịu

đều vì Ðức Giêsu (c.18), vì Danh Ðức Giêsu (c.22).

Các ngài cũng có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Bầu khí của tòa án là bầu khí của Thiên Chúa Ba Ngôi.

"Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ lên tiếng trong anh em"

để tuyên xưng niềm tin vào Ðức Giêsu (c.19-20)

Cái chết của vị tử đạo cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa

được thi thố nơi một con người mỏng dòn yếu đuối.

 

Chết vì Ðạo là một cách làm chứng.

Làm chứng cho một niềm tin kiên vững:

Vì tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ðấng Cứu Ðộ,

nên các ngài không bước qua thánh giá.

Làm chứng cho một tình yêu nóng bỏng:

"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu

của người hiến mạng vì bạn hữu" (Ga 15,13)

Làm chứng cho một niềm hy vọng mãnh liệt:

có sự sống đời sau, có hạnh phúc vĩnh cửu,

cái chết đưa tôi giáp mặt với Ðấng tôi yêu.

Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết.

Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống.

Làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi,

vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian sa đọa.

 

Các vị Tử Đạo thường bị đặt trước thánh giá.

Bước qua là được tiếp tục sống sung sướng an nhàn.

Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt,

mất tất cả và mất chính mạng sống.

Chỉ cần một bước chân, là mọi sự thay đổi.

Ðã có người bước qua, và cũng có người không.

Có người bị khiêng qua thánh giá,

nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Ðích.

Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận.

Ðó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân:

Âutinh Huy, Nicôla Thể và Ðaminh Ðạt.

Có người được mời giả vờ bước qua thánh giá

để quan có cớ mà tha, như thánh Micae Hồ Ðình Hy,

nhưng họ đã thắng được cơn cám dỗ tinh vi ấy.

Ðứng trước thánh giá là đứng trước một lựa chọn.

Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi?

Không có giải pháp dung hòa hay lấp lửng.

 

Giây phút đứng trước thánh giá là giây phút quan trọng.

Quyết định không bước qua thánh giá

là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện,

của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo,

của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm,

của những Vườn Dầu trong ngục thất...

Thời nào chúng ta cũng được đặt trước thánh giá,

dấu hiệu của sự từ bỏ để phục vụ.

Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ bước qua thánh giá,

bằng đời sống hưởng thụ và ích kỷ của mình.

 

Cầu nguyện:

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam,

các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu

trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.

Sự hy sinh của các ngài

cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết

và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.

Dù mang phận người yếu đuối,

nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,

các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

 

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài

biết can trường sống đức tin của bậc cha anh

trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,

biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu

bằng một đời hiến thân phục vụ.

 

Ước gì ngọn lửa đức tin

mà các ngài đã thắp lên

bằng cuộc sống và cái chết,

được bừng tỏa trên Tổ Quốc Việt Nam.

 

Ước gì máu thắm của các ngài

thấm vào mảnh đất quê hương

để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái. Amen.

 

Suy niệm 2: BỎ MÌNH VÀ MẤT MÌNH

Buông bỏ là động từ gần đây thấy được dùng nhiều.

Buông bỏ được hiểu như là cách để tìm hạnh phúc,

vì càng dính bén thì càng phiền não.

Coi mọi sự như không, bỏ qua những điều không vui,

là con đường dẫn đến nhẹ nhàng thanh thản.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu đòi hỏi

những ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình.

Từ bỏ mình và buông bỏ có một khác biệt lớn.

Người ta buông bỏ để tránh mệt mỏi, âu lo.

Còn người môn đệ Thầy Giêsu từ bỏ mình,

lại muốn mang vào mình những hy sinh, đau khổ.

Người ấy không đôn đáo tìm hạnh phúc cho mình,

nhưng khắc khoải tìm vinh quang cho Thiên Chúa.

 

Trước khi đòi các môn đệ từ bỏ chính mình,

Thầy Giêsu đã từ bỏ mình trong suốt cuộc sống.

Từ bỏ chính mình là sống theo ý Đấng đã sai mình.

Đức Giêsu chỉ nói điều Ngài đã nghe được từ Cha.

Ngài không tự mình nói bất cứ điều gì.

Chúa Cha sai Ngài loan báo về Nước Thiên Chúa.

Nước ấy có chỗ cho những người bị loại trừ:

người thu thuế, bệnh nhân, dân ngoại, phụ nữ, trẻ em…

Thiên Chúa yêu thương những tội nhân và gái điếm

hơn các ông Pharisêu và kinh sư trong Do-thái giáo.

Thầy Giêsu đã trình bày một khuôn mặt Thiên Chúa

rất khác với hình ảnh Thiên Chúa của giới lãnh đạo.

 

Từ bỏ mình là chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm.

Cách sống của Đức Giêsu cũng vượt ra ngoài khuôn khổ.

Ngài giao du với tội nhân, đến nhà người thu thuế,

chữa bệnh ngày sabát, không rửa tay trước khi ăn…

Ngài không kết án người phụ nữ ngoại tình,

chạm tay vào người phong, tha tội cho người bất toại.

Ngài bị kết án là phạm thượng

khi bày tỏ sự gần gũi độc nhất vô nhị giữa Thầy với Cha.

Đức Giêsu, ông thợ mộc bình dân ở Nadarét,

đã làm xáo trộn đời sống tôn giáo ở đất Israen.

Giới lãnh đạo Do-thái giáo coi Ngài như kẻ thù cần loại bỏ.

Đức Giêsu đã chỉ nói và làm điều Cha muốn,

dù biết rằng điều đó sẽ dẫn Ngài đến cái chết.

Ngài chấp nhận chết khi còn trẻ, dù Ngài rất ham sống.

Khi bị treo trên thập giá, Ngài đã từ bỏ tất cả:

danh dự, mạng sống, tự do, và cả niềm vui nội tâm.

Ngài đã từ bỏ chính mình trọn vẹn, hoàn toàn tay trắng.

 

Các thánh tử đạo đã từ bỏ chính mình như Thầy Giêsu.

Họ đã trung tín với Thầy bằng tình yêu lớn nhất.

Thầy chết cho họ, và họ dám chết cho Thầy.

Họ đã sống bài Tin mừng hôm nay sát từng chữ,

dám mất mạng sống mình vì Thầy (c.24),

và không xấu hổ vì Thầy mà chối (c.26).

Các thánh tử đạo vừa từ bỏ chính mình (c.23)

lại vừa không chấp nhận đánh mất chính mình (c.25).

Họ không hy sinh chính mình dù để đổi lấy cả thế giới.

Họ bỏ mạng sống đời này vì trân quý sự sống vĩnh cửu.

 

Đức Giêsu đã vác thập giá mình lên núi Sọ.

Nhiều vị tử đạo Việt Nam đã mang gông ra pháp trường.

Các kitô hữu hôm nay được mời mang gánh của Chúa,

từ bỏ chính mình để sống tín trung với Chúa,

không đánh mất chính mình chỉ vì vật chất mau qua.

Xin cho chúng ta đừng sợ chết, sợ mất mát, đe dọa,

nhưng giữ niềm hy vọng được hưởng vinh quang

nhờ dám tuyên xưng và sống đức tin mình lãnh nhận.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa là Thiên Chúa của lòng con,

Chỉ mình Chúa biết và thấy mọi nỗi xao xuyến của con.

Chỉ mình Chúa biết rằng

mọi khắc khoải của con đều do con sợ mất Chúa,

sợ xúc phạm đến Chúa,

sợ không yêu Chúa nhiều

như con phải yêu và khao khát yêu.

 

Lạy Chúa là Đấng thấu biết mọi sự,

Đấng duy nhất có thể thấy tương lai,

nếu Chúa biết chính vì vinh danh Chúa hơn,

và vì phần rỗi của con

mà con phải ở lại trong tình trạng cùng khốn này,

thì xin Chúa cứ để yên như vậy.

Con không muốn né tránh đâu.

Xin cho con sức mạnh để chiến đấu

và chiếm được phần thưởng Chúa ban

dành cho những tâm hồn mạnh mẽ. Amen.

(Cha Thánh Padre Piô)

 

Suy niệm 3: KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN

“Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua,

lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước.

Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Ðức Kitô”.

Ðó là câu trả lời của ông Micae Hồ Ðình Hy

khi vua Tự Ðức mời ông giả vờ bước qua thánh giá.

Ông là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn,

cho phụ trách ngành dệt trong cả nước.

Nhưng ông cũng là một Kitô hữu xông xáo làm việc tông đồ.

Ông không thấy có gì xung khắc

giữa việc phục vụ đất nước với việc phục vụ Giáo Hội.

Khi quân Pháp bắn phá cảng Ðà Nẵng thì ông bị bắt,

bị kết án là khinh luật nước, chống lại triều đình.

Ông Hy đã chấp nhận cái chết một cách bình thản.

Trước khi chịu chém, ông còn xin hút một điếu thuốc,

hương vị cuối cùng của trần gian mà ông muốn nếm

trước khi nếm hương vị của thiên đàng vĩnh cửu.

Cuộc sống và cái chết của thánh Micae Hy

soi sáng cho đoạn Lời Chúa hôm nay.

Người Kitô hữu có hai đầu dây cần phải giữ.

“Như Cha đã sai Con đến trong thế gian,

Con cũng sai họ đến trong thế gian” (Ga 17,18).

Thế gian là nơi thánh Hy đã sống cho đến chết.

Thế gian là đất nước, là vua quan, là thứ dân...

Ngài đã yêu mến và sống tận tình cho thế gian đó.

Thế gian đã trở nên như máu thịt của người Kitô hữu

vì đó là nơi họ được Chúa sai đến để phục vụ,

và là nơi họ trở thành người Kitô hữu trọn vẹn.

“Họ không thuộc về thế gian,

cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17,16).

 

Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian,

nghĩa là không hoàn toàn nghĩ và sống như thế gian.

Người Kitô hữu không coi thường mọi giá trị của xã hội,

nhưng họ có một thang giá trị riêng.

Họ biết đâu là những giá trị mà họ phải tôn trọng.

Nếu hy sinh những giá trị đó, họ sẽ đánh mất chính mình

và chẳng đóng góp được gì cho bộ mặt thế giới.

Họ là nhúm men vùi trong đống bột.

Men không được tách khỏi bột,

và men cũng không được biến chất thành bột.

Trong cả hai trường hợp, men đều trở nên vô ích.

Chúng ta vẫn bị cám dỗ buông một trong hai đầu dây.

Bỏ một trong hai đều làm mất căn tính của người Kitô hữu.

Ơn gọi Kitô hữu đặt ta vào một thế đứng chênh vênh,

thế đứng dễ ghét, thế đứng đòi phải trả giá.

Tử đạo là cách làm chứng tuyệt vời trong thời bách hại.

Trong thời kinh tế thị trường, cần có những cách làm chứng khác.

Người Kitô hữu vẫn bị cám dỗ bước qua lương tâm mình

để mua lấy chút địa vị, lợi nhuận, an toàn, thoải mái...

Thế gian không ở ngoài ta, thế gian ở ngay trong lòng ta.

Ước gì chúng ta dám chấp nhận thiệt thòi, phiền hà, mất mát,

khi can đảm làm chứng cho lòng tin và tình yêu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.

Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,

lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.

Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.


Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,

giữ được vị mặn của muối,

và sức tác động của men,

để đem đến cho thế gian

một linh hồn, một sức sống.


Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,

chỉ sợ mình bỏ sống đạo

vì bị quyến ru bởi bao thú vui trần thế.


Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng

chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,

những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.


Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,

thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui

của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.


Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hdgmvietnam.com