Offcanvas Section

You can publish whatever you want in the Offcanvas Section. It can be any module or particle.

By default, the available module positions are offcanvas-a and offcanvas-b but you can add as many module positions as you want from the Layout Manager.

You can also add the hidden-phone module class suffix to your modules so they do not appear in the Offcanvas Section when the site is loaded on a mobile device.

Thánh Neumann coi trọng lời Chúa là "Hãy đi rao giảng cho muôn dân."

Thánh Gioan Neumann sinh trưởng ở Bohemia. Vào năm 1835, ngài trông đợi để được thụ phong linh mục nhưng đức giám mục sở tại quyết định không phong chức thêm. Thật khó để ngày nay chúng ta tưởng tượng rằng Bohemia dư thừa linh mục, nhưng thực sự là như vậy. Gioan viết thư cho các giám mục khắp Âu Châu, nhưng câu trả lời ở đâu đâu cũng giống nhau. Tin rằng mình có ơn thiên triệu nhưng mọi cơ hội dẫn đến sứ vụ ấy dường như đều đóng kín.

Không nản chí, và nhờ biết tiếng Anh khi làm việc trong xưởng thợ của người Anh, ngài viết thư cho các giám mục ở Mỹ Châu. Sau cùng, vị giám mục ở Nữu Ước đồng ý truyền chức linh mục cho ngài. Ðể theo tiếng Chúa gọi, ngài phải từ giã quê nhà vĩnh viễn và vượt đại dương ngàn trùng để đến một vùng đất thật mới mẻ và xa lạ.

Ở Nữu Ước, Cha Gioan là một trong 36 linh mục trông coi 200,000 người Công Giáo. Giáo xứ của ngài ở phía tây Nữu Ước, kéo dài từ Hồ Ontario đến Pennsylvania. Nhà thờ của ngài không có tháp chuông nhưng điều đó không quan trọng, vì hầu như lúc nào Cha Gioan cũng di chuyển, từ làng này sang làng khác, lúc thì lên núi để thăm bệnh nhân, lúc thì trong quán trọ hoặc gác xếp để giảng dạy, và cử hành Thánh Lễ ngay trên bàn ăn.

Thánh Danh Chúa Giêsu có sức mạnh vô song, và gọi tên Ngài cũng là một cách cầu nguyện.

Sử gia H.G. Wells, người Anh, công nhận: “Tôi là một sử gia, tôi không có niềm tin tôn giáo, nhưng tôi phải thú thật với tư cách một sử gia rằng nhà thuyết pháp nghèo kiết xác này (penniless preacher) đến từ Nadarét lại chính là trung tâm của lịch sử. Ông Giêsu Kitô là nhân vật nổi bật nhất trong toàn lịch sử nhân loại”. Quả thật, dù không tin ra mặt nhưng người ta vẫn ngầm tin Chúa Giêsu là “siêu nhân” đích thực.

Kinh thánh nói về Đức Kitô: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:12).

Theo truyền thống, Giáo hội Công giáo dành tháng Giêng để tôn kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Qua lòng tôn sùng này, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của Thánh Danh Đức Kitô, đồng thời khuyến khích chúng ta cầu nguyện nhân Danh Ngài. Trong các lời nguyện trong phụng vụ, chúng ta thấy Giáo hội luôn kết lời nguyện bằng câu: Chúng con cầu xin nhân Danh Đức Giêsu Kitô, Chúa của chúng con. Giữ Thánh Danh Ngài trên đôi môi của chúng ta là cách tốt để bảo đảm rằng chúng ta luôn tiến đến gần Ngài, đặc biệt trong tháng này. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng lạm dụng Thánh Danh Chúa Giêsu, vì Mười Điều Răn dạy: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”.

Từ rất sớm, các Kitô hữu đã hiểu rằng chính Thánh Danh Chúa Giêsu có sức mạnh vô song, và gọi tên Ngài cũng là một cách cầu nguyện. Lời cầu nguyện ngắn gọn này là sự kết hợp của việc hành đạo và lời cầu nguyện của người thu thuế trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế (x. Lc 18:9-14). Có thể đó là cách cầu nguyện phổ biến nhất trong Kitô giáo Đông phương, cả Chính thống giáo và Công giáo, họ dùng “dây cầu nguyện” (sợi dây có thắt nhiều nút) tương tự như tràng hạt của Tây phương.

Ngày nay, chúng ta thường xuyên nghe tiếng kêu Thánh Danh Chúa Giêsu và thấy Tên Ngài có ở nhiều nơi, nhất là khi gặp nguy hiểm và bị hàm oan. Hàng ngày, chúng ta rất nhiều lần kêu cầu Thánh Danh Chúa Giêsu, đặc biệt lúc 3 giờ chiều, tại nhiều nhà thờ trên thế giới, điệp khúc Thánh Danh Chúa Giêsu được vang lên râm ran: “Vì cuộc Khổ nạn Đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Khi lần Chuỗi Mân Côi, chúng ta cũng nhiều lần kêu cầu Thánh Danh Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con…”. Đặc biệt là khi chúng ta đau bệnh, hoặc chăm sóc bệnh nhân, Thánh Danh Chúa Giêsu không ngừng được kêu cầu: “Giêsu…”.

Lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu là dạng cầu nguyện ngắn gọn thể hiện lòng khao khát, đôi khi được thốt ra như một phản xạ có điều kiện. Nghĩa là Thánh Danh Chúa Giêsu được chúng ta kêu cầu nhiều lần trong ngày.

"Thực phẩm mà bạn không dùng là thực phẩm của người đói; quần áo bạn treo trong tủ là quần áo của người trần truồng; giầy dép bạn không dùng là giầy dép của người chân không; tiền bạc bạn cất giữ là tiền bạc của người nghèo; hành động bác ái mà bạn không thi hành là những bất công mà bạn đã phạm." (thánh Basil)

Thánh Basil đang là một thầy giáo nổi tiếng thì ngài quyết định theo đuổi đời sống tu trì nghèo hèn của Phúc Âm. Sau khi tìm hiểu các phương thức tu trì, có thể nói ngài là người sáng lập đan viện đầu tiên ở Tiểu Á. Ngài nổi tiếng đối với các vị ẩn tu Ðông Phương cũng như Thánh Benedict nổi tiếng ở Tây Phương, và quy luật ngài viết đã ảnh hưởng đến đời sống đan viện Ðông Phương mãi cho đến ngày nay.

Sau khi thụ phong linh mục, ngài phụ tá cho Ðức Tổng Giám Mục của Caesarea (bây giờ là vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ) và sau cùng chính ngài trở thành tổng giám mục, bất kể sự chống đối của các giám mục phó, có lẽ vì ngài đã nhìn thấy những canh tân cần thiết. Trong nhiệm vụ của một tổng giám mục, ngài siêng năng học hỏi và làm việc liên lỉ. Ðiều này giúp ngài được gọi là "Vĩ đại" ngay trong thời của ngài và là Tiến Sĩ Hội Thánh sau khi ngài chết.

Không có ai ngoài vị giáo hoàng này là người có thể duy trì sự độc lập cần thiết cho Giáo Hội khi phải đối diện với nhân vật quyền thế là Hoàng Ðế Constantine.

Khi nghĩ đến vị giáo hoàng này chúng ta phải nghĩ đến Sắc Lệnh Milan, sự xuất hiện của Giáo Hội sau những năm tháng trốn tránh trong hang toại đạo, các vương cung thánh đường như Ðền Thánh Gioan Latêranô, Ðền Thánh Phêrô, Công Ðồng Nicea và các biến cố quan trọng. Nhưng hầu hết các biến cố này được hoạch định và xảy ra là nhờ Hoàng Ðế Constantine.

Có nhiều truyền thuyết về con người đức giáo hoàng vào thời điểm cực kỳ quan trọng này, nhưng rất ít sự kiện có thể xác định được về phương diện lịch sử. Chúng ta biết chắc là triều đại giáo hoàng của ngài kéo dài từ năm 314 đến khi ngài từ trần năm 335. Tìm hiểu ẩn ý của lịch sử, chúng ta biết chắc là không có ai ngoài vị giáo hoàng này là người có thể duy trì sự độc lập cần thiết cho Giáo Hội khi phải đối diện với nhân vật quyền thế là Hoàng Ðế Constantine. Các giám mục thời ấy nói chung vẫn trung thành với Tòa Thánh và có lúc cũng phải xót xa cho Ðức Sylvester vì phải thi hành những chương trình quan trọng của Giáo Hội dưới sự thúc giục của Constantine.

Anysia là một tín hữu Kitô và sau khi cha mẹ ngài từ trần, ngài đã dùng tài sản để giúp đỡ người nghèo… và chịu tử đạo vì danh Chúa Kitô.

Thánh Anysia sống ở Thessalonica vào cuối thế kỷ thứ hai. Thessalonica là một thành phố cổ mà chính Thánh Phaolô là người đầu tiên đem tin mừng Chúa Giêsu đến đây. Anysia là một tín hữu Kitô và sau khi cha mẹ ngài từ trần, ngài đã dùng tài sản để giúp đỡ người nghèo. Vào thời ấy, có sự bách hại người Kitô Giáo ở Thessalonica. Nhà cầm quyền nhất định ngăn chặn mọi tín hữu không cho tụ tập cử hành Thánh Lễ. Một ngày kia Anysia tìm cách đến nơi tụ họp. Khi đi qua cửa thành Cassandra, ngài bị người lính canh để ý. Hắn bước ra chặn đường, hỏi ngài đi đâu. Vì sợ hãi, Anysia bước lùi lại và làm dấu trên trán. Lúc ấy, tên lính túm lấy ngài và lay mạnh. Hắn la lớn, "Mày là ai? Ði đâu vậy?" Anysia hít một hơi dài và trả lời, "Tôi là tôi tớ của Ðức Giêsu Kitô. Tôi đến nơi hội họp của Chúa."

Tên lính mỉa mai: "Vậy hả? Vậy tao sẽ bắt mày để tế thần. Hôm nay chúng tao thờ thần mặt trời." Cùng lúc ấy, hắn xé áo của Anysia. Ngài càng chống cự bao nhiêu, tên lính càng điên cuồng bấy nhiêu. Sau cùng, trong cơn tức giận, hắn rút gươm đâm thâu qua người Anysia. Thánh nữ gục chết trên vũng máu. Khi cuộc bách hại chấm dứt, các tín hữu thành Thessalonica đã xây một nhà thờ ngay trên chỗ ngài tử đạo. Thánh Anysia từ trần khoảng năm 304.

 
(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)

Thánh Tôma Becket được thụ phong linh mục chỉ một ngày trước khi được tấn phong giám mục. Và ngài quyết liệt thay đổi đời sống bằng sự khổ hạnh.

Là một người kiên quyết dù có đôi lúc giao động, nhưng sau đó biết rằng không thể hòa giải với tội lỗi, ngài trở nên một giáo sĩ hăng say, bị tử đạo và được tuyên xưng là thánh -- đó là cuộc đời Thánh Tôma Becket, Tổng Giám Mục của Canterbury, bị giết ngay trong vương cung thánh đường của ngài vào ngày 29-12-1170.

Thánh Tôma sinh ở Luân Ðôn. Ngài theo học ở cả hai trường đại học Luân Ðôn và Ba lê. Sau cái chết của người cha, ngài bị khánh tận, Ðức Tổng Giám Mục Canterbury, là người đã từng sai ngài đến Rôma một vài lần, đã cấp dưỡng và cho ngài theo học giáo luật.

Trong khi làm tổng phó tế cho giáo phận Canterbury, vào lúc 36 tuổi ngài được Vua Henry II, là bạn của ngài, chọn làm thủ tướng Anh, là nhân vật quyền thế thứ nhì trong nước, chỉ sau vua. Ngài nổi tiếng vì lối sống xa hoa và phung phí, nhưng khi Vua Henry chọn ngài làm giám mục chính tòa Canterbury thì cuộc đời ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài được thụ phong linh mục chỉ một ngày trước khi được tấn phong giám mục. Và ngài quyết liệt thay đổi đời sống bằng sự khổ hạnh. Không bao lâu, ngài đụng độ với vua về vấn đề quyền lợi của Giáo Hội và hàng giáo sĩ.

Vì ý tưởng thâm thuý trong Phúc Âm của ngài, Thánh Gioan thường được coi như con đại bàng thần học, cất cánh bay cao trong một vùng mà các thánh sử khác không đề cập đến.

Chính Thiên Chúa là người mời gọi, và nhân loại đáp lời. Trong Phúc Âm, lời mời gọi ông Gioan và ông Giacôbê (James), người anh của ông, được bắt đầu rất đơn giản, cũng như lời mời gọi ông Phêrô và Anrê: Ðức Giêsu gọi họ; và họ theo Ngài. Sự đáp ứng mau mắn được miêu tả rõ ràng. Các ông Giacôbê và Gioan "đang ở trên thuyền, cùng với người cha là ông Zêbêđê vá lưới. Ðức Kitô gọi họ, và ngay lập tức họ bỏ thuyền và từ giã người cha mà theo Ngài" (Mátthêu 4:21b-22).

Ðức tin của ba ngư dân -- Phêrô, Giacôbê và Gioan -- đã được phần thưởng, đó là được làm bạn với Ðức Giêsu. Chỉ ba vị này được đặc ân là chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của con gái ông Giairút, và sự thống khổ trong vườn Giệtsimani của Ðức Giêsu. Nhưng tình bằng hữu của ông Gioan còn đặc biệt hơn nữa. Truyền thống coi ngài là tác giả cuốn Phúc Âm Thứ Tư, dù rằng hầu hết các học giả Kinh Thánh thời nay không cho rằng vị thánh sử và tông đồ này là một.

Phúc Âm Thánh Gioan đề cập đến ngài như "người môn đệ được Ðức Giêsu yêu quý" (x. Gioan 13:23; 19:26; 20:2), là người được ngồi cạnh Ðức Giêsu trong bữa Tiệc Ly, và là người được Ðức Giêsu ban cho một vinh dự độc đáo khi đứng dưới chân thánh giá, là được chăm sóc mẹ của Ngài. "Thưa bà, đây là con bà... Ðây là mẹ con" (Gioan 19:26b, 27b).

"Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta." (1Ga 4,10)

Ðã đến lúc Con Thiên Chúa làm người vì yêu thương chúng ta. Mẹ Người là Ðức Maria, và Thánh Giuse, phải rời bỏ căn nhà yêu dấu ở Nagiarét để đến Bêlem. Lý do là vì hoàng đế Rôma muốn kiểm tra dân số. Vì Ðức Maria và Thánh Giuse thuộc về dòng họ vua Ðavít, nên các ngài phải về Bêlem. Hoàng đế ra lệnh, nhưng lệnh ấy lại hoàn thành hoạch định của Thiên Chúa. Kinh Thánh nói rằng, Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra ở Bêlem.

Ðó là một hành trình khó khăn cho Ðức Maria, vì núi đồi hiểm trở. Nhưng ngài cảm thấy bình an, vì biết rằng đang thi hành ý Chúa. Ngài vui mừng, khi nghĩ đến người con sắp chào đời. Khi các ngài đến Bêlem, họ không tìm ra được chỗ trọ. Sau cùng, họ tìm thấy nơi trú ngụ trong một cái hang. Ở đó, trong một cái chuồng thô sơ, và Con Thiên Chúa đã giáng sinh. Ðức Maria bọc Hài Nhi trong tấm vải, và đặt nằm trong máng cỏ. Chúa chúng ta đã chọn sinh ra trong cảnh nghèo hèn, để chúng ta đừng ao ước sự giầu sang và tiện nghi. Chính đêm Hài Nhi Giêsu giáng trần, Thiên Chúa đã sai các thiên thần loan báo tin vui. Các thiên sứ không được sai đến với vua chúa. Họ cũng không được sai đến với các học giả hay các thầy thượng tế. Họ được sai đến với các mục đồng nghèo hèn, đang chăm sóc súc vật ở mé đồi gần Bêlem. Sau khi được các thiên thần báo tin, các mục đồng đã vội vã đến thờ lạy Ðấng Cứu Tinh của nhân loại. Sau đó, họ ra về trong niềm tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa.

Các ngôn sứ và thượng phụ của Cựu Ước được an ủi, khi biết rằng sẽ có ngày Ðấng Cứu Thế đến với nhân loại. Giờ đây, Người đã sinh ra giữa chúng ta. Ðức Kitô đã đến vì tất cả mọi người chúng ta. Kinh Thánh viết: "Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian, đến nỗi Người đã ban Con một của Người".

Giáng Sinh là thời điểm giúp chúng ta ý thức hơn bao giờ hết, là Thiên Chúa yêu thương chúng ta.


(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)

Trong khi xã hội chúng ta tuyên dương sự giầu sang và tiện nghi, Thánh Charbel, qua gương mẫu đời sống, ngài đã dạy chúng ta các giá trị khi trở nên nghèo khó, hy sinh và siêng năng cầu nguyện.

Thánh Charbel tên thật là Youssef Makhlouf, sinh ngày 8 tháng Năm, 1828, ở một làng vùng cao nguyên Lebanon. Cuộc đời Youssef rất bình thường, cũng đi học, đi nhà thờ như bất cứ ai khác. Ngài yêu quý Ðức Mẹ và siêng năng cầu nguyện. Ngài có hai người chú là đan sĩ. Ngài âm thầm cầu xin Ðức Mẹ giúp ngài trở thành một đan sĩ. Khi gia đình muốn ngài kết hôn vì họ thấy có một thiếu nữ rất xinh đẹp trong làng mà họ tin sẽ là người vợ lý tưởng của ngài thì Youssef lại tin rằng đã đến lúc phải theo đuổi ơn gọi làm đan sĩ. Ngài gia nhập đan viện Ðức Mẹ ở Mayfuq khi hai mươi ba tuổi, lấy tên Charbel của vị tử đạo người Syria. Ngài khấn trọn năm 1853 khi hai mươi lăm tuổi. Charbel học làm linh mục và được thụ phong năm 1858. Ngài ở tu viện St. Maron trong mười sáu năm tiếp đó.

Cha Charbel là một người thâm trầm mà sự yêu quý cầu nguyện là đặc tính nổi bật của ngài. Thỉnh thoảng ngài lui vào nơi ẩn dật của dòng để cầu nguyện. Và trong hai mươi ba năm cuối đời, Cha Charbel sống rất kham khổ. Ăn ít, ngủ trên đất, và cầu nguyện lâu giờ. Nhiều khi, Cha Charbel bay bổng trên không khi cầu nguyện, và ngài rất yêu quý Thánh Thể.

Vào ngày 16-12-1898, trong khi cử hành Thánh Lễ, ngài bị tai biến mạch máu não và tám ngày sau ngài đã thở hơi cuối cùng vào ngày 24-12-1898.

Phép lạ bắt đầu xảy ra tại ngôi mộ của vị đan sĩ thánh thiện này. Ngài được phong chân phước năm 1965 và sau cùng, Cha Charbel được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên xưng hiển thánh ngày 9-10-1977. Ðức giáo hoàng giải thích rằng, bằng chính đời sống của mình, Thánh Charbel đã dạy chúng ta con đường đích thực đến với Thiên Chúa. Trong khi xã hội chúng ta tuyên dương sự giầu sang và tiện nghi, Thánh Charbel, qua gương mẫu đời sống, ngài đã dạy chúng ta các giá trị khi trở nên nghèo khó, hy sinh và siêng năng cầu nguyện.


(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)